Sông Tô Lịch sẽ thành hầm chống ngập, cao tốc ngầm?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Dự án cải tạo sông Tô Lịch dự kiến sẽ có 2 hợp phần chính, gồm công viên lịch sử - văn hoá - tâm linh, phía dưới là hầm chống ngập kết hợp với cao tốc ngầm kết hợp bể điều áp có thể chưa được hàng triệu m3 nước.

JVE muốn biến sông Tô Lịch thành hầm chống ngập, cao tốc ngầm
JVE muốn biến sông Tô Lịch thành hầm chống ngập, cao tốc ngầm

Đề xuất này được lãnh đạo CTCP Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE (JVE) cho biết tại hội thảo "Giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa – tâm linh (Công viên hữu nghị Việt - Nhật) và xây dựng các thiết chế văn hóa, hệ thống ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm dọc sông Tô Lịch", diễn ra hôm 7/7.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị JVE - dự án cải tạo sông Tô Lịch sẽ bao gồm 2 hợp phần chính, cụ thể là hệ thống ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm và công viên lịch sử văn hóa tâm linh.

Theo đó, hệ thống đường cao tốc ngầm sẽ hoạt động 2 chiều riêng biệt kết nối vào ra tại các điểm nút giao thông huyết mạch của Thủ đô. Trong khi đó, hệ thống chống ngập khổng lồ gồm các giếng thu nước, hầm ngầm thoát nước (đặt phía dưới cao tốc ngầm) và bể điều áp được thiết kế để chứa được hàng triệu m3 nước đáp ứng các trận mưa lớn với cường độ mưa lên tới 500 mm.

Ở phía bên trên, kết hợp với công viên lịch sử văn hóa tâm linh là các cầu mái vòm nối hai bờ sông với độ cong mái phù hợp để thuyền rồng chở khách du lịch có thể qua lại bên dưới thuận lợi, dễ dàng.

Lãnh đạo JVE cũng khẳng định dự án cải tạo sông Tô Lịch sẽ giải quyết dứt điểm mùi hôi thối và các nguồn gây ô nhiễm cả trong và ngoài sông; góp phần giải quyết tình trạng ngập úng của Hà Nội và vấn đề giao thông đô thị...

JVE, nên biết, chính là nhà đầu tư tài trợ thí điểm xử lý một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản hồi tháng 5/2019. Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND Hà Nội, kết quả thí điểm chưa đạt yêu cầu.

JVE làm ăn thế nào?

Như VietTimes từng đề cập, JVE tiền thân là CTCP Cải thiện Môi trường Nhật Việt (thành lập tháng 5/2017), hoạt động chính trong lĩnh vực xử lý nước thải, với 2 công nghệ của Nhật Bản là “Công nghệ thiên nhiên Bioreactor” và “Công nghệ sục khí nano”.

Công ty này vốn điều lệ ban đầu 1,5 tỉ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Tuấn Anh (98% VĐL), ông Nguyễn Đức Thanh (1% VĐL) và bà Nguyễn Thị Ngọc Bích (1% VĐL).

Trong giai đoạn 2017-2019, JVE không phát sinh doanh thu, đồng thời báo lỗ khoảng 1-3 tỉ đồng mỗi năm. Cụ thể, JVE báo lỗ 0,34 tỉ đồng năm 2017, lỗ 1,1 tỉ đồng năm 2018 và lỗ 2,93 tỉ đồng năm 2019.

Tính đến cuối năm 2019, quy mô tổng tài sản của JVE đạt 4,91 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 4,6 tỉ đồng.

Cập nhật đến tháng 4/2020, quy mô vốn điều lệ của JVE đạt 1.000 tỉ đồng. Chủ tịch HĐQT hiện nay là ông Nguyễn Tuấn Anh (SN 1981), còn vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật do ông Hà Mạnh Tuấn (SN 1985) đảm nhiệm./.