3 năm không doanh thu của JVE: Doanh nghiệp đề xuất cải tạo sông Tô Lịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Từ khi thành lập, JVE chưa hề phát sinh doanh thu, cùng đó là khoản lỗ khoảng 1-3 tỷ đồng mỗi năm.
Cảnh quan hai bên bờ sông Tô Lịch tương lai (Nguồn: JVE)
Cảnh quan hai bên bờ sông Tô Lịch tương lai (Nguồn: JVE)

CTCP Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE (JVE) vừa đề xuất phương án cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử – Văn hóa – Tâm linh” bằng nguồn vốn và công nghệ Nhật Bản.

Theo JVE Group, để có thể “hồi sinh” sông Tô Lịch đúng nghĩa thì cần phải có giải pháp tổng thể để giải quyết toàn bộ các vấn đề như thu gom nước thải, cấp nước bổ sung cho sông sau khi thu gom hết nước thải, xử lý triệt để tận gốc nguồn gây ra mùi hôi thối, xử lý tầng bùn đáy, xử lý nước đã bị ô nhiễm ở trong lòng sông, thoát nước chống ngập khi mưa bão...

Thời gian tới, JVE cho biết sẽ tổ chức hội thảo và mời đại diện đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để cùng tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước về đề án này.

Trước đó, ngày 16/5/2019, JVE đã cùng các chuyên gia Nhật Bản thực hiện dự án tài trợ thí điểm xử lý một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản.

Theo tìm hiểu của VietTimes, JVE tiền thân là CTCP Cải thiện Môi trường Nhật Việt, được thành lập vào ngày 8/5/2017 với vốn điều lệ ban đầu 1,5 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm ông Nguyễn Tuấn Anh (nắm giữ 98% VĐL), ông Nguyễn Đức Thanh (nắm giữ 1% VĐL và bà Nguyễn Thị Ngọc Bích (nắm giữ 1% VĐL).

Hiện JVE đang hoạt động chính trong lĩnh vực xử lý nước thải, với phương pháp áp dụng chính bằng 2 công nghệ của Nhật Bản là “Công nghệ thiên nhiên Bioreactor” và “Công nghệ sục khí nano”.

Theo giới thiệu, đây là 2 phát minh quan trọng của Nhật Bản được Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) công nhận và đã triển khai trên 300 dự án tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Lào.

Từ khi thành lập, JVE chưa phát sinh doanh thu, cùng đó là khoản lỗ khoảng 1-3 tỷ đồng mỗi năm. Cụ thể, trong 3 năm 2017, 2018 và 2019, JVE lần lượt báo lỗ 340 triệu đồng, 1,1 tỷ đồng và 2,93 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của JVE đạt 4,91 tỷ đồng, tăng 3,46 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu tăng từ 700 triệu đồng lên mức 4,6 tỷ đồng.

Ngày 8/4/2020, JVE nâng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Tuấn Anh, còn Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật do bà Nguyễn Thị Ngọc Bích (SN 1988) đảm nhiệm./.