Chỉ tiêm vaccine cho một số nhóm đặc biệt
Trước nguy cơ dịch chồng dịch trên địa bàn TP.HCM, tại cuộc họp báo chiều nay, 4/6, phóng viên VietTimes đã đặt câu hỏi với Sở Y tế TP.HCM về việc cập nhật tình hình bệnh đậu mùa khỉ ra sao, sau khi Bộ Y tế đã có hướng dẫn phác đồ điều trị, trong đó, quy định sẽ cách ly bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ, đồng thời, liệu TP.HCM có hướng mua vaccine đậu mùa khỉ về để triển khai tiêm phòng cho người dân hay không?
Trả lời câu hỏi trên, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM Lê Thiện Quỳnh Như thông tin: WHO chưa khuyến cáo tiêm vaccine đậu mùa khỉ cho tất cả người dân, mà chỉ tiêm chủng cho một số đối tượng như: Nhóm người đã tiếp xúc với người bệnh, nhóm hỗ trợ bệnh nhân, nhân viên y tế và nhân viên làm việc tại phòng thí nghiệm có liên quan.
“Cân nhắc lợi ích của người bệnh và do đậu mùa khỉ cũng không phải bệnh dễ lây nhiễm, nên WHO chưa khuyến khích tiêm vaccine cho toàn thể người dân ở thời điểm này” – Bà Lê Thiện Quỳnh Như nói.
Cũng theo bà Lê Thiện Quỳnh Như, đậu mùa khỉ không phải bệnh lây qua đường hô hấp và cũng không dễ lây như COVID-19, nên sẽ không dẫn đến tình trạng quá tải như thời gian cao điểm bùng phát COVID-19 trước đây. Tuy nhiên, các ca nhiễm được phát hiện mới vẫn nên được cách ly tại các khoa Nhiễm của các bệnh viện chuyên khoa, để được bác sĩ theo dõi, điều trị và tránh lây nhiễm rộng trong cộng đồng.
HCDC cảnh báo bệnh đậu mùa khỉ dễ lây nhất với người đồng tính nam
Sở Y tế TP.HCM thông tin về tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: Hòa Bình |
Xử lý nghiêm việc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc
Một vấn đề khác là hiện tại, do dịch cúm A vẫn tiếp tục lây lan và đã có tình trạng tăng giá thuốc Tamiflu trên thị trường, trong khi đây là thuốc bắt buộc bán theo đơn, nhưng nhiều người dân vẫn tự ý đi mua về dùng, dù bác sĩ đã cảnh báo nguy hiểm, trả lời câu hỏi của VietTimes về việc Sở Y tế kiểm soát tình trạng này thế nào, bà Lê Thiện Quỳnh Như cho biết: Sở Y tế TP.HCM đã hướng dẫn các cơ sở y tế phải thực hiện kê đơn đúng quy định, các đơn vị kinh doanh, nhà thuốc phải tuân thủ quy định về niêm yết giá thuốc và không bán cao hơn giá niêm yết; không lợi dụng tình hình dịch để găm hàng, đẩy giá.
Phó chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM cũng khẳng định nếu phát hiện các vi phạm sẽ xử lý nghiêm.
Liên quan đến vụ việc bác sĩ đang hành nghề tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định bị người nhà bệnh nhân bóp cổ mới đây, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM - thông tin, Công an TP đã làm việc với đối tượng bạo hành bác sĩ, hiện nay vẫn tiếp tục điều tra xác minh vụ việc và sẽ thông tin sớm đến báo chí.
Thuốc Tamiflu: Hậu quả khó lường nếu uống không đúng chỉ định
Giá hàng hóa chỉ tăng nhẹ
Bảy tháng đầu năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng của TP.HCM tăng 26%, ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực. Vì thế, phóng viên VietTimes đã đặt câu hỏi với Sở Công thương về giải pháp nào để bình ổn giá cho một số mặt hàng sau khi giá xăng đã giảm?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết giá của 5-7 mặt hàng trên hàng trăm loại hàng hóa thiết yếu trên địa bàn TP.HCM có tăng, nhưng chủ yếu là tăng nhẹ do chi phí vận chuyển.
“Quản lý giá cả hàng hóa sau khi giá xăng dầu đã điều chỉnh giảm 4 lần liên tiếp, nhưng nhiều mặt hàng vẫn chưa giảm theo, Sở Công thương TP.HCM đã tham mưu cho lãnh đạo UBND TP về việc ưu tiên hàng hóa thiết yếu, hàng hóa liên quan đến học sinh, đối tượng trẻ em và các mặt hàng dược phẩm” – Ông Nguyễn Nguyên Phương cho hay.
Phó Giám đốc Sở Công thương cũng khẳng định: Sở ở Công thương TP.HCM đã tìm kiếm các giải pháp về cung cầu, kết nối các doanh nghiệp có thể cung cấp hàng hóa với giá tốt và chất lượng ổn định, đặc biệt là với các nhóm ngành hàng như nông nghiệp của TP.HCM vốn dĩ có năng suất rất thấp, chỉ đủ đáp ứng 3-5% nhu cầu, cho nên TP.HCM buộc phải sử dụng sản phẩm của nhóm ngành hàng này của các địa phương khác chuyển về.