Sơ phác Tiến Lộc Group của nữ doanh nhân Lã Thị Lan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tiến Lộc Group hiện nắm trong tay nhiều quỹ đất lớn tại khu vực phía Bắc, tập trung chủ yếu ở tỉnh Hà Nam - quê hương của nữ doanh nhân Lã Thị Lan.
Bà Lã Thị Lan - Tổng giám đốc Tiến Lộc Group (Ảnh: Internet)
Bà Lã Thị Lan - Tổng giám đốc Tiến Lộc Group (Ảnh: Internet)

Trong giai đoạn từ 30/11 - 24/12/2021, CTCP Tập đoàn Đầu tư Tiến Lộc (Tiến Lộc Group) đã bán ra 2,5 triệu cổ phiếu PFL của CTCP Dầu khí Đông Đô qua phương thức khớp lệnh. Hậu giao dịch này, doanh nghiệp liên quan tới nữ doanh nhân Lã Thị Lan không còn nắm giữ cổ phiếu PFL nào.

Sinh năm 1962, vốn là kỹ sư ngành hóa (Đại học Đà Lạt), bà Lã Thị Lan từng có nhiều năm gắn bó với Công ty Dịch vụ Dầu khí Vũng Tàu (OSC Vũng Tàu) và làm đến chức Giám đốc Chi nhánh tại TP.HCM.

Tới năm 1995, bà Lan chuyển sang làm Giám đốc kinh doanh Công ty Xuất nhập khẩu Quận 1 - TP.HCM (Fimexco) và đảm nhiệm vị trí này đến năm 1998.

Đến tháng 7/1999, nữ doanh nhân Lã Thị Lan bắt đầu gây dựng sự nghiệp kinh doanh riêng với việc thành lập Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Tiến Lộc (SX-TM Tiến Lộc) - tiền thân của Tiến Lộc Group sau này.

Được biết, SX-TM Tiến Lộc hiện đóng trụ sở tại số 155 - 157 An Dương Vương, P. 8, Quận 5, TP.HCM, do ông Nguyễn Quốc Toản (SN 1959) - chồng của bà Lan - làm Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.

Tính đến tháng 4/2019, SX-TM Tiến Lộc có quy mô vốn điều lệ 300 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: CTCP Tập đoàn Đầu tư Tiến Lộc (sở hữu 69% VĐL) và bà Lã Thị Lan (sở hữu 31% VĐL).

Tòa nhà Tiến Lộc Palace (Ảnh: tienlocgroup.com)

Tòa nhà Tiến Lộc Palace (Ảnh: tienlocgroup.com)

Theo giới thiệu trên trang chủ, Tiến Lộc Group có quy mô vốn điều lệ 990 tỉ đồng, được thành lập từ việc hợp nhất 3 công ty, gồm: Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Tiến Lộc; CTCP Đầu tư Song Kim; và CTCP Ô tô xe máy Hoàng Gia.

Tập đoàn này hiện nắm trong tay nhiều quỹ đất lớn, tập trung chủ yếu ở tỉnh Hà Nam - quê hương của bà Lã Thị Lan, như: Trung tâm thương mại Tiến Lộc Plaza tại thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân (tổng diện tích sàn xây dựng 7.320 m2); Khu phố thương mại Tiến Lộc Riverside tại TP. Phủ Lý (tổng diện tích 30.000 m2); Khu dân cư Tiến Lộc Phú Viên; Tiến Lộc Palace Hotel tại Phủ Lý (diện tích 3.234 m2).

Tại Hà Nội, Tiến Lộc Group cho biết là chủ đầu tư dự án Khu biệt thự sinh thái và nhà nghỉ dưỡng lão Cao Thiên & Eco Life Resort tại huyện Thạch Thất, quy mô nghiên cứu khoảng 25,2 ha.

Ở khu vực phía Nam, tập đoàn này cũng đầu tư 2 dự án tại tỉnh Đồng Nai là Tiến Lộc Garden và Khu đô thị New Land City (quy mô 105 ha) tại xã Vĩnh Thanh - Phú Trạch, huyện Nhơn Trạch.

Tiến Lộc Group còn được biết đến với nhà máy sản xuất xe máy, xe đạp điện có quy mô 30.000 m2 tại lô M7-M9-M11 Khu Công nghiệp Cát Lái, Quận 2, TP.HCM, công suất 100.000 chiếc xe/năm.

Các công ty thành viên của Tiến Lộc Group

Các công ty thành viên của Tiến Lộc Group

Bên cạnh đó, tập đoàn này còn sở hữu cả chục công ty thành viên hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực như sản xuất nhựa công nghiệp, linh kiện cơ khí, khai thác và chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng và đầu tư giáo dục, trường học…

Ngoài vai trò Tổng giám đốc Tiến Lộc Group, bà Lã Thị Lan còn là Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, Giám đốc Quỹ doanh nhân vì cộng đồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân tư nhân Việt Nam. Bà Lan cũng từng tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV (2016 – 2021)./.