Theo quy định tại Thông tư 06/2015/TT-NHNN, nếu đến ngày 31/12/2015, các cổ đông (đang nắm giữ tỷ lệ cổ phần lớn tại ngân hàng) không giảm được tỷ lệ cổ phần sở hữu vượt giới hạn cho phép, thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ có những biện pháp kiên quyết can thiệp, chẳng hạn buộc nhà đầu tư có liên quan hoặc đại diện của nhà đầu tư phải rút lui khỏi HĐQT hoặc vị trí điều hành; không được phép nhận cổ tức bằng tiền đối với phần cổ phần vượt giới hạn cho phép. Đồng thời, NHNN buộc ngân hàng liên quan thực hiện phương án tái cơ cấu bắt buộc.
Chậm nhất đến cuối năm 2015, các ngân hàng (có cổ đông sở hữu tỷ lệ cổ phần cao hơn giới hạn cho phép) sẽ phải cung cấp thông tin chi tiết về tỷ lệ sở hữu cổ phần cùng với lộ trình giảm tỷ lệ này xuống dưới giới hạn cho phép, nhằm đảm bảo tuân thủ quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.
Cũng theo nội dung của Thông tư 06/2015/TT-NHNN, trong thời gian chuyển đổi từ ngày 15/7 đến 31/12/2015, cổ đông và bên liên quan sở hữu tỷ lệ cổ phần cao hơn giới hạn cho phép không được phép tiếp tục nâng tỷ lệ cổ phần sở hữu, ngoại trừ các trường hợp sau: nhận cổ phiếu thưởng hoặc cổ phiếu phát hành để trả cổ tức; mua thêm cổ phần thông qua chào bán ra công chúng, nhưng tổng số cổ phần sau khi phát hành phải thấp hơn giới hạn cho phép.
Theo quy định, giới hạn cổ phần sở hữu cho phép là 5% đối với cá nhân và 15% đối với tổ chức và tối đa là 20% đối với tổ chức cộng các bên liên quan. Song hiện nay, trên thị trường, vẫn còn một số cổ đông nắm tỷ lệ cổ phần vượt các mức trên.
Theo NHNN, hiện có 5 ngân hàng TMCP có cá nhân, tổ chức đang nắm giữ tỷ lệ cổ phần vượt quá mức quy định, lần lượt là 5%, 15% vốn điều lệ; 8 ngân hàng TMCP có nhóm cổ đông và người liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quy định 20% vốn điều lệ.
Một số cá nhân cùng gia đình có tỷ lệ cổ phần nắm giữ vượt trần giữa 2 ngân hàng. Cụ thể, ông Trầm Bê và gia đình sở hữu 20,8% cổ phần của SouthernBank và trên 6% tại Sacombank (theo báo cáo tình hình quản trị của Sacombank đến cuối năm 2014).
Sở hữu chéo được xem là một vấn đề nan giải của hệ thống ngân hàng, đồng thời là một thách thức trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trước sự lũng đoạn của nhóm lợi ích có thể gây ra những hệ lụy vô cùng nguy hiểm cho cả hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Mặt tiêu cực của nó là rất lớn, nên cần phải tập trung giải quyết và loại bỏ để đảm bảo tính bền vững, ổn định của hệ thống ngân hàng nói riêng và của nền kinh tế nói chung.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng (Đại học mở TP.HCM), việc thoái vốn tại các ngân hàng TMCP để thực hiện Thông tư trên cũng là vấn đề gây khó khăn cho các ngân hàng, vì họ cần phải có thời gian tìm đối tác giao dịch và phải tính toán một mức giá bán hợp lý để đạt hiệu quả, đặc biệt là trong bối cảnh giá cổ phiếu ngân hàng đang giảm.
Ông Yun Hang Jin, Giám đốc Khối thị trường mới nổi, Công ty Korea Investment & Securities (Hàn Quốc) nhận xét, Việt Nam nên tiếp nhận các nhà đầu tư mới, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại.
“Nhưng trước hết, Chính phủ Việt Nam cần phải mở “room” trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng từ mức 30% lên 50% hoặc cao hơn như một số nước trên thế giới đang làm”, ông Yun Hang Jin khuyến nghị.
Còn theo một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ, để xóa sổ sở hữu chéo và tránh lặp lại tình trạng này, NHNN cần có những quy định chặt chẽ trong việc tăng vốn điều lệ ngân hàng, sở hữu cổ phần, cổ phiếu... Trong đó, tăng cường tính tuân thủ trong quá trình thực hiện cũng như chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ trong hoạt động, nhất là việc chấp hành pháp luật cũng như các quy định của Chính phủ và các bộ, ngành, đồng thời phải có sự hoạt động có hiệu quả của các cơ quan giám sát tài chính quốc gia để minh bạch hóa cũng như phát hiện những sai trái hoặc kịp thời ngăn chặn việc tái diễn các trường hợp sở hữu chéo mới phát sinh.
Bên cạnh đó, NHNN cần mạnh dạn và quyết tâm loại trừ các “lợi ích nhóm”, “công ty sân sau” gây ra tiêu cực và nguy hiểm cho cả hệ thống ngân hàng và nền kinh tế, bởi sở hữu chéo tạo ra vốn ảo và là tác nhân tạo ra cuộc đua lãi suất vô cùng lộn xộn trong thời gian vừa qua.
Theo: Báo Đầu tư