Số hóa triển lãm 'Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam'

Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ thực hiện việc đổi mới cách thức trưng bày triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” bằng hình thức số hóa.
Triển lãm số “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam- Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”.
Triển lãm số “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam- Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”.

Hơn 3 năm qua, Bộ TT&TT đã tổ chức hơn 70 cuộc triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" trên toàn quốc, tạo  được hiệu ứng tốt và được sự đồng tình hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Để nâng cao hiệu quả của triển lãm này, thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ thực hiện đổi mới cách thức tổ chức triển lãm bằng số hóa.

Ông Đoàn Công Huynh- Vụ trưởng Vụ Thông tin cơ sở, Bộ TTT&TT đã trả lời phóng viên về những vấn đề liên quan.

Thưa ông, 3 năm qua, triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" đã đến với 48 tỉnh, thành phố cùng hơn 20 điểm đảo, huyện đảo và các đơn vị lực lượng vũ trang. Xin ông cho biết, triển lãm đã mang lại những hiệu quả như thế nào?

Ông Đoàn Công Huynh: Những năm vừa qua, Bộ TT&TT đã rất nỗ lực trong công tác tuyên truyền về biển đảo, đặc biệt là về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Chuỗi triển lãm được tổ chức rất qui mô, đến với các tầng lớp dân cư, từ trong đến ngoài nước, đồng thời góp phần giúp người xem có hiểu biết cơ bản, cốt lõi về chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa.

Về phía quản lý Nhà nước, triển lãm đã nhận được sự quan tâm của nhiều người và qua đó, chúng ta đã nhận được thêm nhiều tư liệu từ các địa phương, từ các nhà nghiên cứu, khiến việc nghiên cứu, bổ sung tư liệu ngày càng sâu rộng hơn. Từ đó có thêm điều kiện để xây dựng một bộ hồ sơ chặt chẽ và thấu đáo về chủ quyền với Hoàng Sa, Trường Sa.

Triển lãm tổ chức ở các địa phương đã góp phần khơi gợi tình cảm yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, nhất là với học sinh, sinh viên. Từ đó, khẳng định chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm. Mỗi người dân đều có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn.

Được biết, trong thời gian tới, việc tổ chức triển lãm bản đồ, tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa này sẽ được đổi mới. Việc đổi mới này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Ông Đoàn Công Huynh: Khi triển lãm chúng tôi nhận thấy đây là đề tài thông tin đa ngành, đa lĩnh vực. Nội dung thông tin cần sự hiểu biết tổng hợp trong điều kiện mới. Công tác bảo vệ chủ quyền quốc gia cần những yếu tố mới, trong đó các hiểu biết về pháp luật quốc tế rất quan trọng. Vì vậy, chúng tôi đã hết sức nỗ lực để đưa thông tin đến công chúng dễ hiểu và hấp dẫn.

Thời gian tới, về mặt nội dung, triển lãm sẽ có thêm hình thức biểu đạt hấp dẫn hơn để lôi cuốn các tầng lớp nhân dân.

Đặc biệt, chúng tôi sẽ lựa chọn để đưa thêm một hình thức triển lãm mới là tiếp cận người xem qua công nghệ thực tế ảo 3D. Cách tiếp cận triển lãm qua công nghệ thông tin và những thành tựu mới là điều cần tận dụng vì hiệu quả rất lớn.

Triển lãm số sẽ làm cho việc tiếp cận vấn đề sinh động hơn, thu hút người xem hơn, nhất là giới trẻ. Còn nếu tổ chức ở nước ngoài cũng rất thuận tiện.

Mới đây, Bộ TT&TT đã thực hiện triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” bằng hình thức số hóa thay cho việc trưng bày hiện vật tại tỉnh Hà Nam và tỉnh Vĩnh Long.

Triển lãm số có hình thức trưng bày mới với các tư liệu được số hóa với khả năng tương tác đa dạng đã thu hút sự quan tâm của người xem.

Một số hiện vật lớn không có điều kiện trưng bày trên thực địa đã được số hoá dưới dạng mô hình 3D và trình chiếu trên màn hình lớn thu hút được nhiều người xem (chẳng hạn với mô hình tàu Hải đội Hoàng Sa và Tượng đài Hải đội Hoàng Sa, hai hiện vật hiện chỉ có tại đảo Lý Sơn). Các mô hình này đều có tích hợp thuyết minh và cho phép người dùng xoay, zoom và chạm tay để tìm hiểu các thông tin chi tiết.

Đặc điểm của triển lãm theo hình thức mới tạo cho công chúng cảm giác hấp dẫn, thú vị, lôi cuốn do không phụ thuộc vào người thuyết minh tại thực địa và có thể tích hợp đa ngôn ngữ để phục vụ cho các triển lãm ở nước ngoài hoặc người nước ngoài ở Việt Nam.

Số hóa triển lãm 'Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam' ảnh 1

Cùng với tổ chức triển lãm số “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam- Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” , việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về chủ quyền biển đảo cũng rất cần được quan tâm. Vậy thời gian tới, Bộ TT&TT có kế hoạch triển khai những nội dung này như thế nào?

Ông Đoàn Công Huynh: Bên cạnh triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam- Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”, chúng tôi có các hoạt động khác, trong đó có các cuộc thi hay game show về biển đảo, xuất bản sách, ảnh, sản xuất phim truyền hình, phim tư liệu về biển đảo. Chúng tôi cũng dự kiến tạo sân chơi có tính chất thi đua trong các trường học nhằm mở rộng nội dung thông tin cho mọi tầng lớp nhân dân.

Theo Báo Chính phủ