"So găng" tại Syria, Israel - Iran có bùng nổ chiến tranh lớn?

VietTimes -- Hiện nay, khả năng xảy ra "chiến tranh nóng" giữa Israel và Iran là không lớn, vì sẽ gây ra thảm họa to lớn trong khu vực, trong khi đó hai bên còn chịu ảnh hưởng từ vai trò của các nước lớn khác trong khu vực.
Hệ thống tên lửa phòng không Syria đáp trả cuộc tấn công của Israel ngày 10/5/2018. Ảnh: Stars and Stripes
Hệ thống tên lửa phòng không Syria đáp trả cuộc tấn công của Israel ngày 10/5/2018. Ảnh: Stars and Stripes

Vào ngày thứ hai sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran, thùng thuốc súng Trung Đông lập tức xuất hiện những “đốm lửa” xung đột quy mô nhỏ.

Từ đêm ngày 9/5, hai đối thủ Trung Đông là Israel và Iran đã tiến hành tấn công các mục tiêu của đối phương tại Syria trong vài giờ liên tục. Đây là hành động đối kháng quân sự trực tiếp nhất từ trước tới nay.

Hậu quả đầu tiên từ việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran - việc tấn công lẫn nhau giữa Israel và Iran thực sự đã đổ thêm dầu vào lửa cho tình hình Trung Đông phức tạp. Cuộc xung đột này sẽ leo thang thành chiến tranh giữa hai nước?

Quân đội Israel lên án cho biết vào đêm 9/5 đến rạng sáng ngày 10/5 (giờ địa phương), quân đội Iran ở Syria đã phóng 20 quả rocket lên cao nguyên Golan do Israel kiểm soát, trong đó 1/4 bị đánh chặn thành công, số tên lửa còn lại không gây thiệt hại về người và tài sản.

Để đáp trả, sáng ngày 10/5, Israel đã phát động tấn công đối với nhiều mục tiêu của Iran ở Syria. Được biết, các mục tiêu tấn công của Israel bao gồm giàn phóng rocket, cứ điểm tình báo, bộ tư lệnh quân sự và kho vũ khí ở lân cận thủ đô Damascus của Syria.

Quân đội Israel cho biết đây là một trong những hành động quân sự có quy mô lớn nhất được Israel triển khai ở Syria trong vài chục năm qua, có vài máy bay chiến đấu đồng thời phát động tấn công trên 50 mục tiêu.

Báo cáo đánh giá sơ bộ của quân đội Israel cho thấy Iran sẽ cần thời gian rất lâu mới có thể khôi phục được những cơ sở đã bị phá hủy này.

Nhưng người phát ngôn quân đội Israel Jonathan Conricus lại nhấn mạnh, kêu gọi Iran và Syria không nên thực hiện các cuộc tấn công mới để tránh bị đáp trả mạnh hơn.

"Chúng tôi hy vọng Iran và Syria có thể tỉnh táo nhận thức được thông điệp từ cuộc tấn công lần này, quân đội Israel sẽ bảo vệ lấy mình. Chúng tôi sẽ không cho phép Iran triển khai lực lượng quân sự ở Syria, đồng thời sẽ áp dụng các hành động thích hợp" - Jonathan Conricus nói.

Máy bay chiến đấu của không quân Israel. Ảnh: Cankao.

Ngày 10/5, quân đội Syria cho biết hệ thống phòng không của Syria đã tiến hành đánh chặn có hiệu quả cao đối với tên lửa của Israel, nhưng cuộc tấn công vẫn khiến 3 người chết, nhiều mục tiêu quân sự của Syria bị phá hoại.

Tuyên bố cho biết hệ thống phòng không của Syria đã tiêu diệt phần lớn tên lửa của đối phương. Hành động đáp trả của quân đội Syria tiếp tục chứng minh quân đội Syria giữ cảnh giác và làm tốt chuẩn bị trong việc ngăn chặn xâm lược, bảo vệ sự tôn nghiêm và chủ quyền quốc gia.

Người dân Syria đã bày tỏ ủng hộ đối với chính phủ trong vấn đề này. "Đối với các hành động xâm lược, chúng tôi sẽ tiến hành chống lại bằng bất cứ phương thức nào, tất cả các hành động tấn công vũ lực đối với chúng tôi, quân đội chúng tôi cũng đều sẽ tiến hành đáp trả".

Tình hình chiến sự hết sức căng thẳng ở khu vực Trung Đông khiến cho cộng đồng quốc tế lo ngại. Ngày 10/5, Liên hợp quốc kêu gọi Israel và Iran chấm dứt trạng thái đối đầu, tránh bất cứ hành vi nào có thể làm trầm trọng thêm nỗi đau khổ của nhân dân Syria.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhắc nhở các bên vẫn cần kiên trì giải quyết xung đột bằng con đường chính trị. Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 10/5 cảnh cáo, việc leo thang trạng thái đối đầu ở khu vực Trung Đông là vấn đề có liên quan đến "chiến tranh và hòa bình".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng kêu gọi hai bên không nên để tình hình diễn biến mở rộng. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Nga hy vọng hai nước Israel và Iran giải quyết vấn đề thông qua đối thoại. Trong khi đó, Mỹ lựa chọn dành sự ủng hộ hoàn toàn đối với Israel.

Nhiều năm qua, quan hệ Israel - Iran luôn căng thẳng. Iran từng tuyên bố muốn hủy diệt Israel, trong khi đó Israel luôn lo ngại về sức mạnh quân sự của Iran.

Vài tháng gần đây, Israel đã phát động nhiều cuộc tấn công trong lãnh thổ Syria, thực ra phần lớn đều nhằm vào các mục tiêu quân sự ở Syria mà họ tình nghi là của Iran.

Israel từng cho biết họ tuyệt đối không cho phép có bất cứ sự hiện diện quân sự nào của Iran trong phạm vi 50 km biên giới phía bắc Israel, khu vực phía nam Damascus, Syria, vì vậy cuộc tấn công lần này là phù hợp với logic.

Lý Thiệu Tiên, viện trưởng Viện nghiên cứu các nước Ả rập, Đại học Ninh Hạ, Trung Quốc cho rằng cuộc tấn công lần này của Israel hoàn toàn không phải là đáp trả, mà là đã có âm mưu, có tính toán chuẩn bị từ trước. Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran thực sự đã đem lại thời cơ thích hợp cho Israel.

Đối với cuộc tấn công của Israel, Iran tuyệt đối sẽ không cam chịu, do đó Syria cũng bước vào giai đoạn mới không ổn định, cuộc xung đột giữa Iran và Israel có thể sẽ trở thành một trong những nhân tố chủ đạo ảnh hưởng đến xu hướng của tình hình Syria.

Nhưng nhà nghiên cứu Lý Thiệu Sinh cho rằng hiện nay, Iran và Israel đều đang giữa kiềm chế nhất định, hai bên đều không có ý định mở rộng quy mô xung đột, phát động tấn công vào lãnh thổ đối phương, va chạm giữa hai nước hoàn toàn sẽ không phát triển thành chiến tranh thực sự.

Xe tăng của quân đội Israel tại cao nguyên Golan. Ảnh: The New York Times.

Tân Hoa xã Trung Quốc ngày 12/5 đánh giá, tình hình hiện nay cho thấy khả năng Israel và Iran chuyển sang tiến hành “chiến tranh nóng” là không lớn, hai bên sẽ vẫn duy trì kiềm chế nhất định, tránh khiến cho tình hình mất kiểm soát, trong khi đó các nước lớn như Nga sẽ đóng vai trò cân bằng giữa hai nước để bảo vệ lợi ích tự thân.

Israel và Iran luôn coi nhau là thù địch. Cựu lãnh đạo Iran từng tuyên bố “muốn xóa sổ Israel khỏi bản đồ”, trong khi đó Israel cũng coi việc Iran sở hữu tên lửa đạn đạo, tìm cách có được năng lực hạt nhân và mở rộng vai trò ảnh hưởng ở khu vực là thảm họa.

Đối với Israel, một quốc gia có diện tích nhỏ hẹp, thiếu chiều sâu chiến lược, Iran phát triển vũ khí hạt nhân cho dù chỉ tồn tại “khả năng trên lý thuyết” thì cũng đã tạo ra mối đe dọa chí tử đối với Israel. Trong khi đó, sự hiện diện quân sự của Iran ở Syria và lực lượng vũ trang Hezbollah do Iran ủng hộ cũng bị Israel coi là những “lưỡi lê” đang lăm le ở cửa nhà.

Chuyên gia Trung Đông của Nga cho rằng việc Iran triển khai căn cứ và phương tiện quân sự ở khu vực lân cận Israel tại Syria luôn là một “giới hạn đỏ”, Israel luôn tiến hành tấn công những cơ sở này tại Syria.

Tờ Washington Post Mỹ cho rằng từ năm 2012 đến nay, Israel đã tiến hành tấn công trên 100 lần các mục tiêu “có liên quan đến Iran” ở Syria.

Hiện nay, với sự ủng hộ rất lớn từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, Israel đã tăng cường các hành động quân sự nhằm vào các mục tiêu của Iran tại Syria, nhưng điều này sẽ không dẫn đến chiến tranh giữa hai nước, bởi vì hai bên đều hiểu rõ hậu quả mang tính thảm họa nếu hai lực lượng quân sự lớn khu vực Trung Đông này nổ ra chiến tranh toàn diện.

Hiện nay, Israel chỉ phát đi tín hiệu cho Iran, đó là Israel sẽ không cho phép Iran mở rộng hiện diện quân sự ở khu vực lân cận Israel.

Khả năng xảy ra chiến tranh giữa Israel và Iran không lớn còn do mâu thuẫn chính hiện nay của Iran là mâu thuẫn với Mỹ, chứ không phải mâu thuẫn với Israel.

Israel và Iran sẽ thận trọng hành động, bởi vì hai bên đều cần đánh giá ảnh hưởng từ việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran. Đối với Iran, còn phải tính đến ưu thế quân sự của Israel tại khu vực Trung Đông.

Nhưng theo chuyên gia Nga Aleksei Mukhin, một khi Tổng thống Mỹ Donald Trump không thể tái cử, chính sách Trung Đông của Mỹ trong tương lai sẽ khó dự liệu. Vì vậy, Israel rất cấp bách khẳng định sức mạnh với ông Donald Trump. Nhìn vào điểm này, giữa Israel và Iran vẫn có khả năng nổ ra xung đột trực tiếp.

Đối với tình hình Syria hiện nay, do có lợi ích chiến lược quan trọng và sự hiện diện quân sự có quy mô tương đối lớn ở Syria, lập trường và vai trò của Nga rất quan trọng.

Chuyên gia Nga Elena Suponina cho rằng nhiều năm qua Nga luôn áp dụng sách lược cân bằng rất phức tạp ở Trung Đông, đều giữ quan hệ đối tác tốt đẹp với Iran và Israel. Nga kêu gọi tất cả các bên giữ kiềm chế, Nga sẽ không nghiêng về bên nào. Trái lại, Nga sẽ phát huy vai trò hòa giải, vì vậy nổ ra một cuộc chiến tranh quy mô lớn mới ở khu vực Trung Đông không phù hợp với lợi ích của Nga.