SMIC đối mặt với tình trạng “trái phiếu rác” sau lệnh trừng phạt của Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhà sản xuất chip lớn nhất của Trung Quốc - SMIC đang phải đối mặt với nguy cơ kinh doanh bị gián đoạn sau các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.
Ảnh: Nikkei Asian Review
Ảnh: Nikkei Asian Review

Quyết định thêm SMIC vào danh sách đen thương mại của Mỹ là động thái mới nhất khiến công ty sản xuất chip của Trung Quốc phải chịu thêm nhiều áp lực. Cuối tháng 9/2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã thông báo với một số nhà cung cấp rằng việc xuất khẩu hàng hóa cho SMIC sẽ bị hạn chế và cần có giấy phép từ phía chính phủ nước này.

SMIC - nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc đã được S&P - cơ quan xếp hạng tín dụng uy tín nhất thế giới) đánh giá tín dụng ở mức BBB-, đồng nghĩa với việc nếu tiếp tục bị giáng cấp, nó sẽ rơi vào tình trạng “trái phiếu rác”. "Trái phiếu rác" là tình trạng trái phiếu bị mất giá do tình hình tài chính của các nhà phát hành bị suy yếu.

S&P cho rằng SMIC hiện đang phải “đối mặt với tình trạng rủi ro chuỗi cung ứng ngày càng tăng” sau động thái của Mỹ. Hai nhà phân tích Hins Li và Raymond Hsu của S&P cũng lưu ý rằng mặc dù việc lệnh cấm ảnh hưởng đến hoạt động và kế hoạch mở rộng thị trường của SMIC là “không chắc chắn” nhưng nó có thể “trì hoãn một cách đáng kể sự tiến bộ công nghệ của công ty”.

Với tình hình bất lợi như hiện tại, SMIC có nguy cơ bị mất khách hàng và số thị phần không nhỏ, khiến lợi nhuận suy giảm.

SMIC đã thừa nhận rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ có thể tác động đến hoạt động sản xuất cũng như tương lai của công ty. Đồng thời, hãng cũng nhấn mạnh rằng công ty luôn “tuân thủ các luật và quy định liên quan ở tất cả các khu vực mà doanh nghiệp hoạt động”.

Nhà sản xuất chip Trung Quốc chủ yếu dựa vào nguồn cung thiết bị và vật liệu từ các công ty Mỹ và các công ty nước ngoài khác sử dụng công nghệ Mỹ.

Áp lực từ phía Mỹ đối với SMIC đã khiến các nhà đầu tư của công ty không khỏi lo lắng. Cổ phiếu của công ty Trung Quốc hôm 5/10/2020 đã giảm gần 5%. Kể từ mức đỉnh 5,4 USD/cp vào tháng 7/2020, giá trị cổ phiếu của công ty này đã giảm gần 60% chỉ trong vòng 3 tháng.

Trong bối cảnh khá u ám này, S&P cho biết cơ quan này tin rằng SMIC chỉ có thể trông chờ vào “sự hỗ trợ to lớn từ chính phủ Trung Quốc, cả về mặt tài chính và công nghệ".

Theo Nikkei Asian Review