Smartphone Trung Quốc làm đủ chiêu trò để “dụ dỗ” người dùng

Mức giá đưa ra cực thấp và chế độ bảo hành đổi trả miễn phí hay cho mượn điện thoại, các hãng smartphone Trung Quốc tìm mọi cách thu hút người tiêu dùng. 
Smartphone Trung Quốc làm đủ chiêu trò để “dụ dỗ” người dùng

Những tên tuổi smartphone Trung Quốc như ZTE, Alcatel OneTouch và Huawei đang rất bận rộn tại Triển lãm hàng điện tử tiêu dùng CES 2016 ở Las Vegas. Họ đang cố gắng chứng tỏ mình. Và mặc dù không gây tiếng vang mạnh mẽ như iPhone của Apple, họ cũng đang tạo được ít nhiều ảnh hưởng.

Theo CNET, đó là vì khoảng cách giữa các điện thoại tầm cao và tầm trung đang co hẹp lại dần. Chẳng hạn, sự khác biện giữa chất lượng camera và tốc độ vi xử lý thực sự rất nhỏ với các sản phẩm hiện nay. Vì thế, chỉ với một số tiền rất nhỏ so với số tiền phải bỏ ra để mua iPhone 6s, người tiêu dùng đã có thể sở hữu một chiếc smartphone không đến nỗi nào, thậm chí so ra cũng không kém cạnh mấy iPhone.

Đó chính là những gì mà các hãng smartphone Trung Quốc đang làm tại CES 2016.

Giá rất cạnh tranh

Alcatel có tham vọng rõ ràng nhất. Công ty thuộc sở hữu của nhà sản xuất TV Trung Quốc TCL, đã ra mắt 6 sản phẩm Android thuộc dòng Pixi 4, có kích cỡ màn hình từ 3.5 inch đến 6 inch. Hãng cũng nhảy vào lãnh địa Windows với mẫu Fierce XL dùng Windows 10, giá chỉ 140 USD. Alcatel còn có kế hoạch ra mắt một mẫu siêu phẩm chạy Windows 10.

Trong khi đó, ZTE trình làng 2 mẫu smartphone bình dân, Grand X 3 với mức giá gợi ý 130 USD và Avid Plus giá 115 USD.

Huawei là tên tuổi đang hiện diện khiêm tốn nhất tại Mỹ trong bộ ba này, song Huawei có thể có mẫu điện thoại đáng chú ý nhất Nexus 6P. Công ty đã ra mắt một phiên bản vàng của mẫu điện thoại chủ lực của Google tại CES.

Ngoài ra, Huawei cũng mang đến Huawei Mate 8 và Honor 5X có thiết kế hoàn toàn bằng kim loại, dù chưa rõ nó sẽ có bán tại Mỹ hay không.

Bán hàng trực tiếp

Khi muốn thâm nhập vào thị trường Mỹ, hầu hết các công ty điện thoại đều bán sản phẩm qua các nhà mạng. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc này đang có chiến lược bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng. Chẳng hạn, ZTE đã sáng tạo ra mẫu điện thoại chủ lực Axon để xây dựng mối quan hệ với người dùng. Axon ban đầu chỉ bán qua website của ZTE tại Mỹ.

Nhiều chiêu bảo hành

Người tiêu dùng có thể không tự tin mua một chiếc điện thoại khi chưa được dùng thử, biết về nó. Đó là lý do tại sao các công ty Trung Quốc thêm nhiều quyền lợi cho người dùng trong các chương trình bảo hành. Chẳng hạn, Huawei cung cấp 2 năm bảo hành toàn diện từ website GetHuawei.com của hãng.

Tại CES 2016, ZTE giới thiệu Axon Passport 2.0, một chương trình bảo hành với 2 năm sửa chữa không giới hạn. Điều này có nghĩa nó bao gồm việc được miễn phí đổi trả hoặc mượn điện thoại trong trường hợp thời gian sửa điện thoại của bạn kéo dài quá lâu.

Nếu làm mất điện thoại khi đang ở nước ngoài, ZTE sẽ tặng người dùng 100 USD để mua một chiếc Axon khác.

Ít nhất, những chiến lược ra mắt smartphone với các thông số kỹ thuật tốt, giá rẻ và chương trình bảo hành nhiều ưu đãi đang dần khiến người tiêu dùng phải để mắt đến các tên tuổi Trung Quốc này.

Theo ICTNews