Theo New York Post, màn hình các smartphone hiện nay thường dùng nguyên liệu kính cường lực Gorilla Glass thế hệ thứ 5 của hãng Corning. Ngoài ra, Motorola đang sử dụng một loại vật liệu gọi là Shattershield thế hệ thứ 2 trên dòng smartphone Moto Z Force. Nhưng trong tương lai tất cả các vật liệu này sẽ phải nhường chỗ cho một phát minh mới của các nhà khoa học thuộc Đại học California và Colorado –vật liệu tự chữa lành vết nứt.
Vật liệu này trong suốt, có tính truyền dẫn và co dãn. Điều quan trọng là nó có khả năng tự chữa lành “vết thương”. Trong một thí nghiệm được các nhà khoa học thực hiện, họ đã xé vật liệu này ra, tuy nhiên nó đã tự nối lại trong vòng 24h. Vật liệu này giống cao su và mềm, chi phí sản xuất rẻ và dễ thực hiện. Nó có thể kéo dãn tới một kích thước dài gấp 50 lần kích thước ban đầu. Với khả năng dẫn điện, vật liệu này có thể được sử dụng để sản xuất màn hình điện thoại thông minh chống xước, tự phục hồi.
Nhà nghiên cứu Chao Wang nói rằng vật liệu mới sẽ sớm được áp dụng cho điện thoại thông minh. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu vẫn còn nhiều việc phải làm, chẳng hạn thử nghiệm vật liệu trong điều kiện khắc nghiệt như độ ẩm cao. Một vài loại nhựa tự phục hồi đã không tồn tại được sau những thí nghiệm khắc nghiệt như vậy.
Ông Chao Wang nói rằng chính nhân vật Người sói (Wolverine) với khả năng tự chữa lành vết thương trong bộ truyện tranh mà ông đã đọc đã tạo cảm hứng cho ông nghiên cứu ra loại vật liệu mới này.
Những người hay làm rơi điện thoại sẽ rất hạnh phúc khi vật liệu mới được áp dụng trong tương lai.