Thương vụ trên khiến mức định giá của Sky Mavis đã giảm từ 3 tỉ USD xuống chỉ còn 1,95 USD, theo VentureCap Insights – công ty chuyên cung cấp dữ liệu startup có trụ sở tại Singapore.
Tháng 3/2022, Sky Mavis đứng trước thách thức lớn khi tin tặc tấn công vào cầu nối mạng Ronin (Ronin Bridge) và đánh cắp 173.600 Ether và 25,5 triệu token USDC. Các token bị đánh cắp được định giá khoảng 620 triệu USD ở thời điểm đó.
Một tuần sau biến cố, Sky Mavis đã công bố vòng gọi vốn 150 triệu USD. Số tiền này dự kiến sẽ được dùng để đền bù cho người dùng chịu ảnh hưởng bởi vụ tấn công.
Tuy nhiên, theo Tech in Asia, Sky Mavis cho biết họ có thể hoàn trả cho tất cả người chơi bằng nguồn lực nội bộ. Đây là nguyên nhân khiến Sky Mavis chỉ huy động 11 triệu USD trong vòng gọi vốn do những tên tuổi lớn trong cộng đồng blockchain như Animoca Brands và a16z dẫn đầu.
Thành lập từ năm 2018, Sky Mavis chỉ mất khoảng 3 năm để từ một studio game nhỏ trở thành ‘kỳ lân’ công nghệ, nâng tầm Việt Nam trên bản đồ công nghệ quốc tế. Quá trình hình thành và phát triển của công ty này mang đậm dấu ấn của nhà sáng lập Nguyễn Thành Trung.
Axie Infinity được ‘lấy cảm hứng’ từ game Pokémon nổi tiếng toàn cầu, cho phép người chơi vừa giải trí vừa có thể kiếm tiền. Thời điểm đỉnh cao, game thu hút được tới 2 triệu người dùng trên toàn cầu và được đánh giá là game Web 3.0 thành công bậc nhất mọi thời đại.
Sự thành công của Axie Infinity đưa nhà sáng lập Sky Mavis Nguyễn Thành Trung trở thành tỉ phú công nghệ ở tuổi 29. Anh từng lọt top 10 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới crypto vào năm 2021, theo bảng xếp hạng được công bố bởi CoinDesk.
Song, Axie Infinity không phải là sản phẩm duy nhất trong ‘hệ sinh thái’ của Sky Mavis. Nên biết, công ty này còn có một số sản phẩm khác có thể kể đến như: ví điện tử, chợ giao dịch tài sản NFT, mạng chuỗi khối cầu nối Ronin nằm trên mạng Ethereum, sàn giao dịch phi tập trung Katana./.
Nguồn tham khảo: Tech in Asia