Startup Việt hưởng lợi từ kinh tế số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Các công ty khởi nghiệp của Việt Nam đang thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư, đặc biệt là trong các lĩnh vực Fintech, bán lẻ, thanh toán và chăm sóc sức khỏe.

Startup Việt hưởng lợi từ kinh tế số

Theo CNBC, các công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ của Việt Nam đang được hưởng lợi khi đất nước đặt mục tiêu trở thành quốc gia số vào năm 2030.

Trước đó, vào năm 2020, chính phủ đã công bố chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, hướng tới tăng tỉ trọng của nền kinh tế kỹ thuật số trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ mức 14% lên 20% vào năm 2025. Tập trung vào việc số hóa nền kinh tế, Việt Nam đặt tham vọng trở thành quốc gia có thu nhập vào năm 2045.

“Nếu các lĩnh vực kỹ thuật số tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm, thì trong giai đoạn 2021 – 2045, lợi ích tiền tệ tích lũy cho nền kinh tế có thể vượt mức 200 tỉ USD hoặc tương đương quy mô GDP hiện tại”, World Bank dự báo.

Các startup và doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ cũng dành được nhiều sự quan tâm của chính phủ. Năm 2021, Việt Nam đã thành lập nhiều trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp mới tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM. Năm ngoái, chính phủ đã đưa ra lộ trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khoa học, với cam kết dành 1% GDP cho nghiên cứu khoa học.

CNBC cũng trích dẫn báo cáo mới đây của quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong đó cho biết Việt Nam là một trong những thị trường đầu tư mạo hiểm triển vọng nhất Đông Nam Á.

Cụ thể, trong năm 2022, Việt Nam xếp thứ 3 về số lượng giao dịch đầu tư mạo hiểm, xếp thứ 4 về giá trị giao dịch trong khu vực. Đáng chú ý, các quỹ trong nước là những nhà đầu tư ‘bạo chi’ nhất, chiếm 45% giá trị các thương vụ.

Song, báo cáo cũng lưu ý, tổng giá trị đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam trong năm 2022 chỉ đạt 634 triệu USD, giảm 56% so với mức kỷ lục 1,4 tỉ USD vào năm 2021. Các lĩnh vực gọi vốn nhiều nhất có thể kể tới như: Fintech, bán lẻ, chăm sóc sức khỏe và thanh toán.

Theo CNBC, Việt Nam hiện có 4 “kỳ lân” (công ty khởi nghiệp có định giá từ 1 tỉ USD), bao gồm: VNG – tiền thân là Vinagame; nhà cung cấp giải pháp thanh toán điện tử VNPAY; nhà cung cấp hệ thống thanh toán điện tử MoMo; và Sky Mavis - công ty đứng sau tựa game NFT Axie Infinity đình đám. Một số cái tên khác giàu tiềm năng cũng được hãng thông tấn này điểm tên, kể như: M Village và TopCV.

momo1.jpg

Các quỹ đầu tư mạo hiểm nói gì?

Trao đổi với CNBC, một số quỹ đầu tư thể hiện sự quan tâm tới các lĩnh vực từ bán lẻ đến logistic.

Đại diện quỹ đầu tư mạo hiểm ThinkZone Ventures cho rằng, chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và logistic đặc biệt phù hợp với công nghệ đột phá. Các công ty có tiềm năng tăng trưởng hấp dẫn, do nhu cầu tiêu dùng trong nước đang có xu hướng tăng.

Trong khi đó, VinaCapital hiện ưu tiên các startup cung cấp giải pháp hỗ trợ công nghệ, nhằm cải thiện các hệ thống hiện có trong nông nghiệp, dịch vụ tài chính, logistic, truyền thông và bán lẻ. Nhà đầu tư này cũng tin rằng các công nghệ mới nổi như blockchain, AI và cơ sở hạ tầng xe điện sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế trong tương lai.

Ông Trần Anh Tùng, CEO VIC Partners, bày tỏ sự lạc quan với mảng thương mại điện tử. “Chúng tôi đã đầu tư vào các công ty B2B SaaS giúp các doanh nghiệp thương mại điện tử tuyển dụng, bán hàng, tiếp thị, thanh toán, chăm sóc khách hàng…", ông nói, đề cập đến các chương trình phần mềm dựa trên đám mây dành cho doanh nghiệp.

Tuy vậy, theo CNBC, các startup Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số thách thức, đặc biệt là thuế, quyền sở hữu trí tuệ và bảo mật dữ liệu.

“Việc thiếu nguồn lực đẳng cấp thế giới cũng là vấn đề phổ biến. Dù Việt Nam sở hữu các chuyên gia lành nghề và dày dặn kinh nghiệm trong lập trình, phát triển, thiết kế và nhiều vai trò khác, nhưng họ vẫn chưa đạt đến đỉnh cao xuất sắc”, ThinkZone lưu ý.

Còn đại diện VinaCapital cho rằng rào cản lớn cho startup Việt là việc đầu tư cho nghiên cứu và phát triển của các tập đoàn lớn vẫn còn khiêm tốn.

“Điều này hạn chế tiềm năng hợp tác và đổi mới giữa các ngành, khiến các công ty mới thành lập gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm những người mua hoặc đối tác tiềm năng quan tâm đến sản phẩm hoặc dịch vụ của họ".

Trong khi đó, VIC Partners lại lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, từ đó ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư mạo hiểm. Theo CEO VIC Partners, ngay cả khi dòng vốn được bơm trở lại, sẽ mất một thời gian để các thị trường mới nổi như Việt Nam tiếp cận được dòng vốn này./.

Nguồn tham khảo: CNBC