Áp dụng công nghệ quét mống mắt tại một số cửa khẩu biên giới là bước đi mới nhất trong một loạt các sáng kiến sử dụng công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả và đảm bảo an ninh ở Singapore khi mà các mối đe dọa an ninh và khủng bố trong khu vực đang ngày càng tăng. Tuy nhiên, một số sáng kiến sử dụng công nghệ cao của Singapore cũng đang gây ra nhiều lo ngại về vấn đề quyền riêng tư của người nhân cho các nhà hoạt động về nhân quyền.
Công nghệ quét mống mắt đã được sử dụng tại nhiều quốc gia khác như Mỹ và Vương quốc Anh với các mức độ thành công khác nhau. Theo các chuyên gia, công nghệ này có chi phí tốn kém gấp 5 lần so với hệ thống quét vân tay đang được áp dụng hiện nay tại Singapore.
“Các thử nghiệm ban đầu này sẽ giúp chúng tôi đánh giá xem có nên và cần phải triển khai công nghệ này tại các điểm kiểm tra biên giới như thế nào”, người phát ngôn Cục Xuất nhập cảnh Singapore (ICA) cho tờ Straits Times biết.
Thử nghiệm ban đầu sẽ được áp dụng tại hai điểm kiểm tra trên đường biên giới phía Bắc với Malaysia và một tại bến phà gần quần đảo Indonesia, tờ Straits Times cho biết.
Tờ Straits Times cho biết những điểm kiểm tra thử nghiệm này sẽ chỉ áp dụng với các công dân Singapore và những người cư trú dài hạn, và ICA đã tiến hành thu thập hình ảnh mống mắt của người dân từ tháng 1 năm ngoái khi họ nộp đơn xin cấp thẻ căn cước công dân hoặc xin thị thực.
Khi được Reuters hỏi, ICA đã xác nhận tính chính xác của thông tin này, nhưng không đưa ra bất cứ bình luận gì thêm về kế hoạch của họ.
Sân bay quốc tế Changi của Singapore đang xem xét sử dụng các hệ thống nhận diện khuôn mặt để tìm kiếm các hành khách đến muộn. Quốc gia này cũng đang lên kế hoạch sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt trong một dự án gắn camera và các bộ cảm biến tại hơn 100.000 cột đèn giao thông.
Chính quyền Singapore cho biết đây là phương thức phù hợp để nâng cao chất lượng cuộc sống và mức độ an toàn cho người dân và cam kết đảm bảo quyền riêng tư cho họ.
Là trung tâm tài chính toàn cầu, Singapore cho biết họ là mục tiêu của nhiều âm mưu tấn công khủng bố trong những năm qua, một số âm mưu xuất phát từ các quốc gia láng giềng có đông người Hồi giáo sinh sống, và rằng vấn đề chỉ là “khi nào chứ không phải là những kẻ khủng bố có tấn công hay không”.