Luật mới sẽ có hiệu lực trong vài tuần tới, không chỉ áp dụng đối với các nền tảng mạng xã hội (MXH) mà còn với các cổng tin tức và các nền tảng đóng chẳng hạn các nhóm chat, thảo luận trực tuyến.
Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng mà luật nhắm tới là các MXH như Facebook, YouTube, Twitter, vốn bị chỉ trích ở nhiều nước về vấn nạn tin giả trong những năm gần đây do buông lỏng giám sát.
Người dùng MXH ở Singapore có thể đối mặt với mức án 10 năm tù nếu cố ý lan truyền tin giả, gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích cộng đồng
|
Theo luật mới, các bộ trưởng Singapore liên quan có quyền xác định thông tin nào trong lĩnh vực mà họ quản lý là sai sự thật trên các MXH.
Hai điều kiện để các cơ quan quản lý Singapore can thiệp, đó là thông tin đăng trên một nền tảng MXH được xác định là tin giả và tin giả này đi ngược lại lợi ích cộng đồng. Luật mới định nghĩa tin giả đi ngược lại lợi ích cộng đồng là tin gây tổn hại đến an ninh của đất nước hoặc một khu vực của Singapore; gây tổn hại đến sức khỏe, an toàn và sự ổn định cộng đồng, tài chính công của đất nước; gây tổn hại đến mối quan hệ hữu nghị của nước này với các nước khác.
Tin giả cũng bị xem là đi ngược với lợi ích cộng đồng nếu được lan truyền để gây tác động đến kết quả tổng tuyển cử, bầu cử bổ sung, bầu cử tổng thống, trưng cầu dân ý; hoặc gây kích động hận thù giữa các nhóm cộng đồng trong xã hội ở Singapore; hoặc gây suy giảm niềm tin của công chúng vào sự thi hành nhiệm vụ, chức năng của các cơ quan công quyền.
Khi phát hiện tin giả (tuyên bố, bài viết sai sự thật) như vậy trên các MXH, các nhà quản lý Singapore có quyền yêu cầu người dùng MXH liên quan đăng “cải chính” bên cạnh tin giả. Nếu không tuân thủ yêu cầu này, họ có thể bị phạt lên đến 20.000 đô la Singapore hoặc tối đa 12 tháng tù hoặc cả hai.
Người lan truyền tin giả với dụng ý xấu, gây tổn hại nghiêm trọng lợi ích cộng đồng có thể đối mặt với bản án 10 năm tù. Tuy nhiên, các cá nhân vô tình chia sẻ các tin giả trên MXH vì không biết đó là tin giả được miễn trừ trách nhiệm pháp lý.
Các cơ quan quản lý Singapore cũng có quyền yêu cầu các công ty MXH đăng cải chính bên cạnh tin giả hoặc gỡ bỏ tin trong các trường hợp nghiêm trọng hoặc khẩn cấp. Họ cũng có quyền yêu cầu các công ty MXH gỡ bỏ các tài khoản giả hay các phần mềm tự động được sử dụng để lan truyền tin giả. Nếu không tuân thủ, các công ty MXH có thể bị phạt lên đến 1 triệu đô la Singapore.
Tuy nhiên, luật mới cho phép người dùng MXH khiếu nại yêu cầu hủy bỏ quyết định của các bộ trưởng Singapore liên quan nếu họ cho rằng tin họ đăng không phải là giả. Trong trường hợp các bộ trưởng liên quan bác bỏ khiếu nại, người dùng MXH vẫn có thể kiện ra tòa án, cơ quan phân xử cuối cùng để quyết định xem đó có phải là tin giả hay không.
Có thể thấy rằng với các hình phạt nghiêm khắc đặt ra trong đạo luật mới, người dùng MXH ở Singapore từ nay sẽ phải cẩn thận trước khi viết điều gì chưa rõ ràng hoặc chia sẻ thông tin nào đó. Tất nhiên, với những người đăng tin giả đi ngược lại lợi ích cộng đồng nhưng chưa đến mức nghiêm trọng và không có dụng ý xấu thì họ có thể chỉ bị buộc phải đăng cải chính bên cạnh tin giả của họ.
Song họ không phải là người có quyền quyết định. Nếu các cơ quan quản lý vẫn cho rằng họ đăng tin giả, gây tổn hại lợi ích với dụng ý xấu, họ phải mất thời gian khiếu nại, khiếu kiện và nếu không thành công, họ có thể bị truy tố hình sự.
Đối với các công ty MXH, đạo luật mới sẽ khiến họ “vất vả” hơn vì với tình trạng tin giả xuất hiện tràn lan, họ sẽ phải tăng cường nhân lực để đăng các cải chính bên cạnh tin giả hoặc gỡ bỏ chúng theo yêu cầu của các cơ quan quản lý.
Một ngày sau khi luật mới được thông qua, các công ty MXH cho biết họ sẽ hợp tác với chính phủ Singapore để thực hiện luật mới dù vẫn còn nhiều lo ngại. Twitter cho biết các công ty hy vọng các mối lo ngại này sẽ được giải quyết thích đáng.
Trong khi đó, Google bày tỏ lo ngại luật mới có thể gây tổn thương cho sáng tạo và sự phát triển của hệ sinh thái thông tin số hóa. Facebook ra tuyên bố nói rằng, công ty hy vọng Singapore sẽ áp dụng luật mới dựa trên cách tiếp cận phù hợp và chừng mực.
Phát biểu trước Quốc hội Singapore hôm 7/5, Bộ trưởng Nội vụ và Pháp luật Singapore K. Shanmugam nói rằng: “Các công ty công nghệ không phải là kẻ thù của chúng ta” nhưng ông cũng bày tỏ rằng vì động cơ lợi nhuận, các công ty này có thể không giám sát chặt tin giả như kỳ vọng.
Trước các ý kiến chỉ trích nói rằng luật mới có thể được sử dụng để dập tắt các ý kiến chỉ trích chính phủ hoặc các ý kiến phản biện chính sách hoặc các vấn đề của đất nước, ông K. Shanmugam nhấn mạnh luật mới chỉ nhắm đến tin giả, các phần mềm tự động, các tài khoản giả lan truyền tin giả và mọi người dân vẫn thoải mái chỉ trích chính phủ.
Ông nói luật mới không phải là công cụ để đảng cầm quyền Hành động Nhân dân (PAP) thâu tóm quyền lực.
Giới học thuật ở Singapore cũng đang lo ngại về các tác động của luật mới đến công việc nghiên cứu của họ. Trước khi đạo luật được thông qua, một nhóm 124 nhà nghiên cứu đã gửi thư cho Bộ trưởng Giáo dục Singapore, Ong Ye Kung, để bày tỏ lo ngại rằng luật mới có thể dẫn đến sự tự kiểm duyệt. Họ cho rằng phần lớn hoạt động nghiên cứu học thuật liên quan đến việc phản bác những “sự thật” đã tồn tại từ lâu và điều này có thể khiến họ gặp rắc rối với pháp luật.
Bộ trưởng Ong Ye Kung đã trấn an các lo ngại này khi nói rằng chính phủ sẽ ủng hộ các bằng chứng và thông tin khoa học. Ông nói luật mới chỉ áp dụng nếu một nghiên cứu được tiến hành dựa trên dữ liệu gian dối.
Theo Vietnamnet
https://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/tin-cong-nghe/singapore-luat-chong-tin-gia-khien-nguoi-dung-mang-xa-hoi-phai-can-trong-531604.html