Theo ông Sơn, trăng tròn vào tối 14/11 chỉ là lớn hơn bình thường và được nhiều người gọi là "siêu Trăng". Tuy nhiên, trên thực tế nó không phải hiện tượng đặc biệt và rất khó để có thể phân biệt bằng quan sát thông thường.
Lý giải điều này, ông Sơn cho biết, hiện tượng trăng tròn, lớn hơn và sáng hơn thông thường thường xuyên xảy ra khoảng 2 đến 3 năm lại xuất hiện một lần, nên sự thật đây không phải một hiện tượng thiên văn đặc biệt, thậm chí rất khó nhận ra bằng mắt thường.
Với người quan sát trên Trái Đất, thời điểm không Trăng là không thể quan sát được, chỉ có thể quan sát sự trùng hợp này vào thời điểm Trăng tròn. Khi siêu Trăng xảy ra vào đêm Trăng tròn, đĩa sáng Mặt Trăng có đường kính lớn hơn thời điểm Mặt Trăng ở điểm viễn địa (điểm xa nhất trên quĩ đạo) khoảng 14% (diện tích lớn hơn khoảng 30%) và độ sáng lớn hơn khoảng 30%. Trên thực tế, so với hầu hết những lần Trăng tròn thông thường, siêu Trăng chỉ có đường kính lớn hơn dưới 10%, không gây ra khác biệt đáng kể khi quan sát trực tiếp.
Tuy nhiên, điểm đặc biệt của "siêu trăng" lần này là nó gần trái đất hơn, hiện tượng này diễn ra cách đây 68 năm.
"Mặt Trăng trong đêm 14/11 sẽ cách Trái Đất 356.536km. Việc này được cho là đặc biệt vì đây là lần Mặt Trăng đến gần Trái Đất nhất kể từ năm 1948 (68 năm trước), khi đó nó còn tới gần hơn lần này 48km. Lần tiếp theo Mặt Trăng đến gần Trái Đất như vậy là ngày 25/11/2034", ông Sơn nhận định.
Đồng thời, ông Sơn cũng cho biết, việc xuất hiện "siêu trăng" là việc rất bình thường của tự nhiên, vì vậy nó không ảnh hưởng gì đến thời tiết, hay tạo ra bất gì "đột biến" về tự nhiên đối với trái đất.
Mặt Trăng vào đêm 14/11 sẽ đạt điểm Trăng tròn (full moon) chỉ sau khoảng hơn hai giờ kể từ thời điểm nó đạt cận địa. Thời điểm cận địa của Mặt Trăng sẽ rơi vào lúc 18h30 ngày 14/11 còn điểm Trăng tròn sẽ là 20h52 (giờ Việt Nam).