Siêu phẩm 'máy bay Hai lúa' Bình Dương bị cấm bay

Cơ quan chức năng đã yêu cầu "phi công" Bùi Hiển không được tự ý mang máy bay made in Việt Nam ra tập lái khi chưa được phép
Chiếc trực thăng "Bùi Hiển 2" đang bay treo ở khoảng cách hơn 25cm so mặt đất. Ảnh: Phan Cường.

Theo kỹ sư Bùi Hiển, ông đang tập lái chiếc trực thăng "made in Việt Nam" thứ 2 này cho đủ số giờ bay, qua đó nhằm kiểm tra độ ổn định, an toàn của máy bay cũng như tay lái vững vàng, sau đó ông mới tiến hành các thủ tục xin cấp giấy phép liên quan đến vấn đề bay từ cơ quan chức năng theo quy định pháp luật.

"Dự kiến, từ nay đến Tết Nguyên đán Bính Thân tôi có thể lái thuần thục, thành thạo chiếc Bùi Hiển 2, và độ cao sẽ được nâng từ 25cm lên đến hơn 1m so với mặt đất. Tuy nhiên, hiện tại tôi lại bị cấm bay nên chưa thể nói trước như thế nào" - ông Hiển nói.

Trước đó, ngày 28/1/2016 "phi công" Bùi Hiển đã điều khiển chiếc trực thăng tự chế nói trên bay treo quanh điểm cố định được 25cm so mặt đất, thời gian khoảng 20 phút.

Theo đánh giá của kỹ sư "hai lúa" Bùi Hiển, chiếc "Bùi Hiển 2" bay bốc hơn "Bùi Hiển 1" rất nhiều, bởi động cơ mạnh gấp nhiều lần, cánh quạt cải tiến, két nước làm mát lớn... đáp ứng được vòng quay cao, lực ép, đẩy mạnh.

"Bùi Hiển 1" bay trong nhà đã cất cánh hơn 1m so mặt đất, dừng trên không khoảng 15 phút vào năm 2012.

Kỹ sư Bùi Hiển chia sẻ, "siêu phẩm" thứ 2 được ông "hạ sinh" vào tháng 9/2014, hoạt động theo cơ chế máy bay hai cánh quạt, cánh đơn hỗ trợ cánh đuôi.

Trọng lượng chiếc trực thăng là 340kg, sử dụng động cơ xe đua công thức 1 của Mỹ với 171 mã lực, tiêu tốn khoảng 15 lít nhiên liệu mỗi giờ, sử dụng xăng A92.

Máy bay có chiều dài 7,4 m, cao 2,4 m, chiều dài cánh quạt chính là 6,6 m và chiều dài cánh quạt phía sau là 1,1 m. Khung, cánh quạt bằng inox cao cấp, kính chắn gió chịu lực. Vận tốc tối đa khi bay đạt 200 km/giờ, trần bay dưới 500 m và tầm hoạt động liên tục trong 2 giờ khoảng 400 km.

Động cơ được trang bị hệ thống giải nhiệt của ô tô 2.0. Trọng lượng cất cánh có tải tối đa 500 kg. Kinh phí dành cho chiếc máy bay này là hơn 500 triệu đồng.

Năm 2012, "Siêu phẩm Bùi Hiển 1" đã cất cánh với độ cao hơn 1m so mặt đất, dừng khoảng 15 phút trên không. Điều này, khiến dư luận cũng như cơ quan chức năng quan tâm, chú ý.

Theo VTC