Theo luật Thủ đô 2012, quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch.
Tuy nhiên, thực tế có nhiều khu đất ở trung tâm thành phố, sau khi di dời nhà máy thì mọc lên các nhà cao tầng, các đô thị lớn.
Sở TN&MT Hà Nội cho biết trong 41 cơ sở sản xuất sau di dời thì có tới 24 vị trí được chuyển sang làm nhà ở, văn phòng và chiếm hầu hết diện tích sau di dời. Một phần còn lại được chuyển sang xây trường học nhưng có diện tích rất nhỏ.
Cùng với việc không đồng hộ hạ tầng kỹ thuật - xã hội - giao thông thì đây chính là một trong những nguyên nhân chủ chốt gây ùn tắc, ngột ngạt cho Hà Nội.
Phố Minh Khai vốn quá tải nay càng trở nên ùn tắc vì phải oằn mình tải thêm lượng cư dân mới. Ảnh: Phạm Hải
Trên địa bàn phường Vĩnh Tuy, chủ tịch phường cho biết ngoài các khu đô thị lớn đang hoạt động thì hàng loạt dự án nhà ở khác như Ao Mơ với 6 tòa, dự án nhà ở 36A Minh Khai, 622 Minh Khai, 122 Vĩnh Tuy, 124 Vĩnh Tuy… cũng đang được gấp rút xây dựng.
Đường Tam Trinh chạy dọc 2 bên bờ sông Kim Ngưu có nhiều nhà chung cư đang xây hoặc đã đưa vào sử dụng. Ảnh: Phạm Hải
Tại quận Hoàng Mai, tổ hợp dự án nhà thương mại giá rẻ HH của công ty xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu đang là tâm điểm của thị trường nhà ở.
Tọa lạc trên ô đất CC6, khu đô thị Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai), tổ hợp này gồm 4 khối HH1, HH2, HH3, HH4, mỗi khối gồm 3 tòa, tổng cộng 12 tòa, mỗi tòa cao 36-41 tầng - cao vượt trội so với các tòa nhà của các chủ đầu tư khác trên cùng khu vực.
“Nếu tất cả người mua nhà đều về đây sinh sống, lấp đầy các căn hộ, thì sẽ đông khủng khiếp” - một cư dân đã đến ở tại khu vực này từ giữa tháng 10/2015 cho biết.
Bí thư phường Hoàng Liệt cho biết trong 5 năm qua, do chung cư mọc lên rầm rộ nên dân số của phường Hoàng Liệt tăng đột biến. Đến hết 2017, Hoàng Liệt sẽ nhận thêm 12.000 căn hộ và hàng ngàn lô thấp tầng. Dự báo, dân số của phường này sẽ tăng 200% (với khoảng 20.000 hộ, tương ứng 80.000 dân).
Cảnh ùn tắc trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: Lê Anh Dũng
Đường Nguyễn Trãi là 1 trong những tuyến đường huyết mạch đang rơi vào tình cảnh ùn tắc nghiêm trọng. Những tòa chung cư xây mới ngày càng nhiều hai bên đường gây áp lực lên giao thông đô thị. Bên cạnh đó, việc thi công đường sắt trên cao cũng là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc. Ảnh: Phạm Hải
Đường Nguyễn Xiển hướng Khuất Duy Tiến ngày nào mật độ các phương tiện cũng cao vào giờ cao điểm sáng và chiều. Ảnh: Phạm Hải
Cảnh ùn tắc trên đường Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh. Khu vực này đang phát triển nóng với nhiều nhà cao tầng (là chung cư - văn phòng), trung tâm thương mại mua sắm lớn. Ảnh: Nguyễn Trí
Chậm di dời cơ quan ra khỏi nội thành
Trong khi tốc độ xây chung cư, nhà cao tầng ở các khu vực trung tâm vẫn đang gia tăng nhanh chóng thì việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Đến nay mới có 8 bộ, ngành (trong tổng số 19) được bố trí địa điểm di dời, đang xây dựng hoặc đã hoàn thành xây dựng trụ sở mới như Bộ Tài nguyên và môi trường; Thanh tra Chính phủ, Bộ Khoa học công nghệ, Nội vụ, Công an, Ngoại giao. Tình hình di dời các trường đại học lớn, bệnh viện lớn ra khỏi nội thành gần như “giậm chân tại chỗ”.
Điều này dẫn tới thực trạng dân số tiếp tục dồn về nội thành. 4 quận trung tâm Hà Nội theo quy hoạch chỉ đáp ứng được khoảng 800.000 dân nhưng con số này đã là 1,23 triệu (chưa phải thống kê đầy đủ).
Theo VNN