Siết chặt quản lý sàn thương mại điện tử: Liệu có đi ngược xu thế?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo đánh giá, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 52 về thương mại điện tử (TMĐT) đang đi theo hướng khá thắt chặt. Trong khi đó, chủ trương của Chính phủ là khuyến khích thúc đẩy nền kinh tế số.
Thương mại điện tử hiện nay là một trong những ưu tiên để phát triển nền kinh tế số.
Thương mại điện tử hiện nay là một trong những ưu tiên để phát triển nền kinh tế số.

Tại hội thảo “Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT”, Bộ Công Thương cho rằng các điều chỉnh sẽ cân bằng lợi ích của các bên tham gia, minh bạch thông tin hàng hóa. Nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu thuộc 4 nhóm chính sách gồm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng minh bạch thông tin, quản lý hoạt động TMĐT trên mạng xã hội và có yếu tố nước ngoài.

Theo kỳ vọng, dự thảo sẽ khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành Nghị định 52, đồng thời đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trước các hành vi gian lận thương mại. Sau khi lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động của Luật, nhiều đánh giá cho rằng dự thảo Luật còn một số bất cập, gây ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh trên môi trường số.

Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) nhận định, quan ngại của ban soạn thảo về những vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng nhái trên thị trường TMĐT hoàn toàn có căn cứ. Tuy nhiên, khi xét về tổng thể, việc quy trách nhiệm chưa chắc đã đạt hiệu quả, chưa kể một số điều trong dự thảo đang “siết” kinh doanh và đầu tư.

Đè nặng trách nhiệm lên các sàn TMĐT

Ông Nguyễn Quang Đồng chỉ ra hai bất cập lớn, gây ảnh hưởng lớn đối với sàn TMĐT. Dự thảo sửa đổi Luật yêu cầu các sàn giao dịch phải có trách nhiệm liên đới trong việc xử lý vấn đề hàng giả, hàng nhái của người bán hàng; cung cấp công cụ tra cứu thông tin liên quan tới người bán cho cơ quan quản lý. Ông cho rằng, hai điểm này đều không hợp lý do quy trách nhiệm quá nặng lên chủ sàn.

Về vấn đề liên đới trách nhiệm với các đơn vị bán hàng giả, hàng nhái, Viện trưởng Viện IPS cho rằng sàn TMĐT chỉ có trách nhiệm trung gian để tổ chức, "giữ chỗ" và phục vụ cho phần hành chính. Giống như người quản lý chợ truyền thống, không thể bắt họ chịu liên đới trách nhiệm khi một các nhân bán hàng giả, hàng nhái. Nhiệm vụ của sàn TMĐT là thực hiện quyết định xóa hoặc block tài khoản khi có căn cứ, kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng.

Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS).

Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS).

Trao đổi với phóng viên VietTimes, ông Nguyễn Quang Đồng nêu quan điểm: “Sàn TMĐT có trách nhiệm báo cáo thông tin đến cơ quan quản lý đối với đơn vị sai phạm, như vậy đã làm tốt hơn rất nhiều so với mô hình chợ truyền thống. Họ có lợi thế hơn trong việc nắm bắt giao dịch, thông tin mặt hàng để phối hợp xử lý khi có sai phạm. Theo tôi, không nên áp thêm nghĩa vụ cho các sàn TMĐT trong việc quản lý gian hàng mà nên chủ động bố trí thêm nguồn lực cho cơ quan quản lý thị trường trên không gian mạng”.

Ông Đồng nêu thêm, việc quy trách nhiệm lên sàn TMĐT chưa chắc đã giải quyết triệt để vấn đề hàng giả, hàng nhái. Về mặt chính sách, ông cho rằng có thể cân nhắc một số công cụ khác. Theo ông, các công cụ báo cáo, đăng ký dựa trên quyền sở hữu trí tuệ trên các sàn TMĐT hiện nay cần được khuyến khích để sàn tự điều chỉnh và cải thiện chất lượng các gian hàng. Bên cạnh đó, đại diện IPS cũng đề xuất các hội, hiệp hội về thương mại, bảo vệ người tiêu dùng hàng năm có thể tiến hành thống kê bảng xếp hạng các sàn TMĐT uy tín. Đây có thể là cách giảm vấn nạn hàng giả, hàng nhái trong khi giảm gánh nặng trách nhiệm lên sàn TMĐT, tạo môi trường phát triển đồng bộ hơn.

Về điều khoản tiếp cận dữ liệu của sàn TMĐT qua “công cụ tra cứu thông tin”, ông Nguyễn Quang Đồng cho rằng điều này có thể mâu thuẫn với Luật an toàn thông tin và Luật dân sự.

“Đây là xung đột về mặt pháp lý với luật an toàn thông tin, quyền được bảo vệ an toàn thông tin. Cung cấp công cụ tra cứu như một “cửa ngõ” khiến quyền lợi này bị ảnh hưởng. Việc trích xuất thông tin khi có vi phạm đã thể hiện rất tốt vai trò của sàn TMĐT, tương tự như cách làm của ngành ngân hàng. Tôi cho rằng, không có chuyện tham gia vào kho dữ liệu, đây là điều bất hợp lý” – Viện trưởng Nguyễn Quang Đồng nhận xét.

Bên cạnh đó, quy định yêu cầu chủ sàn phải cung cấp riêng một công cụ tra cứu thông tin, hình thức tra cứu ra sao, ở mức độ nào cũng chưa được làm rõ trong dự thảo. So sánh mặt bằng pháp lý tại các nước trên thế giới, ông Đồng cho biết: “Dữ liệu được coi là tài nguyên quan trọng nhất của nền kinh tế số. Bảo vệ dữ liệu là một điều cần được ưu tiên, nhất là dữ liệu người dùng”.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đồng tình với Viện trưởng IPS, đề xuất chỉ cung cấp thông tin khi phát hiện vi phạm. Quá trình này cũng bắt buộc phải tuân thủ theo trình tự.

Toàn cảnh hội thảo “Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT” do Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội.

Toàn cảnh hội thảo “Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT” do Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội.

Tránh “đeo” thêm trách nhiệm cho các cơ quan quản lý

Bên cạnh những vấn đề phát sinh liên quan đến các sàn TMĐT, ông Nguyễn Quang Đồng cũng chỉ ra một số điều lưu ý trong quy định đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực TMĐT. Ông cho rằng, không nên “siết chặt” quá đối với nhóm kinh doanh này trong giai đoạn hiện nay, nhằm tạo sức cạnh tranh trên thị trường.

Đánh giá về điều khoản quy định điều kiện đầu tư vào sàn TMĐT, Viện trưởng IPS chỉ ra bất cập khi yêu cầu các doanh nghiệp công nghệ đủ uy tín mới được đầu tư vào sàn. Theo ông, việc xác định các đơn vị uy tín chưa đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể, vừa tạo “nút thắt” cho các nhà đầu tư, vừa “tự làm khó mình”.

“Đối với doanh nghiệp công nghệ, tôi cho rằng khái niệm “đủ uy tín” rất mơ hồ, không có tiêu chí rõ ràng để đánh giá. Chỉ có người dùng, thị trường mới kiểm chứng được những cái gọi là tốt về mặt công nghệ” – ông Đồng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Viện trưởng IPS còn nêu rõ khả năng xảy ra rủi ro với chính cơ quan quản lý nhà nước. “Giả sử, có những doanh nghiệp nước ngoài được Bộ Công Thương xếp hạng uy tín để cấp phép kinh doanh. Tuy nhiên, trong quá trình kinh doanh gặp phải sai phạm, bê bối thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Đây là điều có thể ảnh hưởng đến uy tín nên tôi cho rằng các cơ quan quản lý không nên “buộc” thêm trách nhiệm vào mình” – ông nói.

Trước những phản ánh của các đơn vị, đại diện ban soạn thảo khẳng định, Nghị định không can thiệp quá mức vào hoạt động của doanh nghiệp. Thay vào đó, ban soạn thảo sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến phản hồi để hoàn thiện dự thảo Nghị định. Ban soạn thảo cam kết bản dự thảo hoàn thiện sẽ bảo đảm tính hợp lý, khả thi, bảo đảm quyền và lợi ích cho các bên tham gia TMĐT.