Siết chặt đào tạo, sát hạch lái xe: Giải pháp giảm thiểu tai nạn

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu có sự giám sát trực tuyến và truyền dữ liệu hoạt động đào tạo, sát hạch lái xe về Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đây là giải pháp lâu dài giúp giảm thiểu tai nạn giao thông.

Nhiều quy định mới vừa được Bộ Giao thông Vận tải ban hành với kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng dạy và học cũng như thi sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong thời gian tới.

Tăng giám sát, chống gian lận

Theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thời gian vừa qua nhiều trung tâm đào tạo sát hạch lái xe trên cả nước đã đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ thực hiện việc đào tạo rất bài bản… Tuy nhiên, thực tế qua kiểm tra vẫn còn một số đơn vị đào tạo, sát hạch chưa thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Bộ Giao thông Vận tải dẫn đến chất lượng dạy và học chưa đồng đều.

Vì vậy, Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ (Thông tư 38), chính thức có hiệu lực từ 1/12 vừa qua với nhiều điểm mới theo hướng thay đổi phương thức đào tạo và sát hạch bằng lái xe với kỳ vọng sẽ hạn chế được các bất cập trên.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết tại Thông tư 38 điểm đáng chú ý là Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu có sự giám sát trực tuyến và truyền dữ liệu các hoạt động đào tạo, sát hạch lái xe về Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Điều này sẽ là giải pháp quan trọng giúp tăng tính công khai, minh bạch và hạn chế tối đa việc gian lận trong thi cử. Đó cũng là một trong những vấn đề mang tính lâu dài trong việc kéo giảm tai nạn giao thông.

“Ngoài ra, Thông tư số 38 có thêm nhiều quy định nhằm siết chặt việc đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe. Theo đó, việc thi sát hạch bằng lái xe sẽ được thực hiện giám sát bằng camera đối với phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình tại các khu vực có bài sát hạch như: điểm xuất phát, dừng và khởi hành xe trên dốc, qua vệt bánh xe, qua ngã tư, ghép xe vào nơi đỗ và bài kết thúc…,” ông Nguyễn Văn Huyện thông tin.

Cùng với đó, Thông tư 38 quy định trong chương trình học giấy phép lái xe hạng B1, B2 và C sẽ có thêm nội dung phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông. Học viên phải học đầy đủ thời gian của môn học lý thuyết mới được dự sát hạch.

Mặt khác, Thông tư cũng quy định các cơ sở đào tạo phải lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trên đường để giám sát số km học lái xe trên đường của học viên.

Chia sẻ về việc giám sát trực tuyến tất cả các trung tâm đào tạo, sát hạch trên cả nước, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và Người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho hay, tất cả các trung tâm đào tạo, sát hạch đều phải truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ để quản lý, giám sát, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu với các Sở Giao thông Vận tải và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cùng với đó, các trung tâm sát hạch cũng phải lưu dữ liệu tối thiếu là 2 năm thay vì 1 năm như trước đây.

“Tổng cục Đường bộ đang xây dựng một trung tâm quản lý đào tạo, sát hạch cấp bằng lái xe với kinh phí trên 17 tỷ đồng để đưa vào thực hiện trong thời gian sớm nhất nhằm giám sát trực tuyến tất cả các trung tâm đào tạo, sát hạch trên nhiều mặt. Ví dụ như sẽ giám sát được thời gian học lý thuyết, số km lái xe trên đường của từng học viên qua các thiết bị theo dõi tại cơ sở đào tạo,” ông Lương Duyên Thống cho hay.

Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào việc thực hành trên sa hình với nhiều tình huống như: sườn dốc, bão lũ, sông suối… Đặc biệt, là những tình huống xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng từ trước đến nay sẽ được đưa vào phần mềm để các học viên tiếp xúc và rút kinh nghiệm.

Mặt khác, theo lộ trình được quy định tại Thông tư 38, từ ngày 1/5/2020, các cơ sở đào tạo lái ôtô trên toàn quốc sẽ phải ứng dụng công nghệ nhận dạng để theo dõi thời gian học môn pháp luật giao thông đường bộ của học viên trên lớp. Từ 1/6/2020, giấy phép lái xe cấp mới sẽ có mã hai chiều (QR) để đọc, giải mã nhanh thông tin liên kết với hệ thống thông tin quản lý, bao gồm cả mã số của cơ sở đào tạo lái xe.

Như vậy, cơ quan quản lý nhà nước có thể dễ dàng thống kê được số lượng và loại lỗi vi phạm của cựu học viên theo từng cơ sở đào tạo lái xe.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đánh giá, việc bổ sung quy định dùng công nghệ vào việc dậy và học cũng như sát hạch lái xe sẽ giúp cơ quan nhà nước quản lý được thời gian học lý thuyết cũng như thực hành của các trung tâm. Đồng thời, hạn chế tối đa tình trạng cắt xén chương trình, bảo đảm thời gian học thực hành thực tế 84 giờ hoặc hơn 1.000km theo đúng quy định.

“Thay vì trước đây chỉ có giám sát tại cơ sở đào tạo, việc Tổng cục Đường bộ, các cơ quan liên quan cùng giám sát trực tuyến sẽ ngăn chặn ngay tiêu cực, giúp cho việc sát hạch thực chất hơn. Mặt khác, việc bổ sung các kỹ năng ứng phó với các tình huống giao thông thực tế, cũng như các giải pháp xử lý cụ thể khi đối mặt với sự cố trên đường qua thiết bị mô phỏng giúp lái xe nâng cao kỹ năng xử lý tình huống trong thực tế, góp phần giảm tai nạn giao thông,” ông Nguyễn Văn Quyền cho hay.

Thí sinh sát hạch hạng C thi phần sa hình. (Ảnh: Ngọc Minh/TTXVN)

Các cơ sở đào tạo, sát hạch có đồng thuận?

Ông Lê Văn Đại, Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghề, Công ty cổ phần vận tải ôtô số 2 (Long Biên, Hà Nội) đánh giá các quy định mới trong Thông tư 38 sẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo, đưa công tác đào tạo, sát hạch đi vào bài bản, đúng quy chuẩn. Trước đây, dữ liệu sát hạch chỉ truyền về Sở Giao thông Vận tải kiểm soát và tới đây dữ liệu này sẽ được truyền trực tuyến về Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

“Việc giám sát trực tuyến quá trình dạy cũng giúp nâng cao ý thức của giáo viên, học viên. Khi đó sẽ không còn tình trạng ăn bớt giờ học, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe,” ông Đại nhấn mạnh.

Ông Lê Văn Đại cũng thừa nhận nếu căn cứ theo quy định của Thông tư 38 thì mức đầu tư trung bình cho một trường đào tạo lái xe với lưu lượng 1.000 học viên cần ít nhất khoảng 10 cabin điện tử, giá trung bình khoảng 400 triệu đồng/cabin điện tử. Như vậy, trong bối cảnh cạnh tranh học viên không tăng thì việc đầu tư trên sẽ tạo gánh nặng cho doanh nghiệp trong khi việc tăng học phí sẽ rất khó khăn.

Cũng liên quan đến thiết bị mô phỏng, ông Trần Việt Hùng, Phó Giám đốc Trường Trung cấp nghề giao thông công chính Hà Nội băn khoăn, về phía đơn vị luôn ủng hộ việc áp dụng khoa học công nghệ vào việc dạy và học lái xe. Tuy nhiên việc đầu tư thiết bị cabin điện tử khá lớn trong khi chưa đánh giá được hiệu quả sẽ gây nên sự lãng phí chung cho xã hội và khó khăn người học.

Vì vậy, ông Trần Việt Hùng đề xuất, trước mắt, chỉ áp dụng thí điểm tại một vài các đơn vị. Sau đó, đánh giá hiệu quả, nếu khả thi sẽ nhân rộng ra phạm vi toàn quốc…

Còn theo ông Phạm Hồng Quang, Giám đốc Trung tâm Trung tâm Sát hạch và Dạy nghề lái xe Đình Xuyên - Công ty cổ phần Thương mại và Vận tải biển Hà Nội, cho hay việc lắp đặt camera giám sát thi lý thuyết và thực hành và lưu trữ thông tin đã được đơn vị thực hiện từ lâu.

Việc truyền dữ liệu giám sát quá trình thi sát hạch về Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng chỉ thêm một lần giám sát. Do đó, việc quy định tại Thông tư 38 sẽ góp phần nâng cao chất lượng học và thi sát hạch lái xe thêm chứ không khó khăn cho trung tâm.

Ông Phạm Hồng Quang cũng cho rằng, xây dựng nhiều tầng nấc giám sát cũng là giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe. Tuy vậy, giải pháp về nâng cao trình độ nguồn nhân lực trong lĩnh vực này cũng phải quan tâm hơn nữa.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng, để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, việc truyền dữ liệu các kỳ sát hạch là cần thiết, song việc xây dựng quy chế tự động phân tích lỗi của các đơn vị sát hạch, tổng hợp để các cơ quan chuyên môn tiến hành hậu kiểm, xử phạt các đơn vị vi phạm cũng rất quan trọng.

Ông Phạm Hữu Trí, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Ngọc Hà (Mê Linh, Hà Nội) nhận xét, với các quy định trong đào tạo, sát hạch lái xe hiện nay, nếu vượt qua, học viên hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu căn bản khi lái xe ngoài đường trường. Đầu ra về đào tạo lái xe của Việt Nam hoàn toàn tốt và đáp ứng được đòi hỏi vì trong sân sát hạch đã đầy đủ các tình huống, đánh giá rất tốt.

Tuy nhiên, ông Phạm Hữu Trí cũng băn khoăn về thời gian yêu cầu các học viên phải học tập trung, điều này sẽ gây khó khăn cho những học viên đang làm việc hành chính muốn học bằng lái xe để lái xe cá nhân. Vì vậy, đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có thể linh hoạt, mềm dẻo về vấn đề này.

Trái với ý kiến của đại diện nhiều trung tâm đào tạo, sát hạch về việc lắp cabin tập lái, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và Người lái - Tổng cục đường bộ Việt Nam cho biết, việc yêu cầu đưa nội dung tập lái ở trên cabin tập lái có mô phỏng lại toàn bộ đường đèo dốc, đường trơn trượt, đường trời mưa tuyết, đường lên cầu, xuống phà… là rất cần thiết để người học có thể trải nghiệm các tình huống. Chẳng hạn như đường trơn trượt, đường đồi núi, hoặc lái xe dưới các điều kiện thời tiết khắc nhiệt khác./.

Theo TTXVN/Vietnam+

http://www.vietnamplus.vn/siet-chat-dao-tao-sat-hach-lai-xe-giai-phap-giam-thieu-tai-nan/613841.vnp
Theo VietnamPlus