“Shark” Liên thôi chức CEO, lộ diện nhiều người Thái trong Ban lãnh đạo Nước mặt Sông Đuống

VietTimes -- Công ty Cổ phần (CTCP) Nước mặt Sông Đuống mới đây đã có công bố thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Theo đó “Shark” Liên sẽ không còn nắm giữ vị trí Tổng giám đốc Công ty.     
Bà Đỗ Thị Kim Liên đã thôi chức Tổng Giám đốc CTCP Nước mặt Sông Đuống.
Bà Đỗ Thị Kim Liên đã thôi chức Tổng Giám đốc CTCP Nước mặt Sông Đuống.

Theo công bố, người thay thế bà Đỗ Thị Kim Liên (“shark” Liên) trong vai trò Tổng Giám đốc CTCP Nước mặt Sông Đuống là ông Tạ Đức Hoàng. Ông Hoàng cũng là thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) công ty.

Được biết, ông Hoàng còn là Tổng giám đốc Tập đoàn Aqua One (công ty mẹ của Nước mặt Sông Đuống).

Mặc dù rời vị trí Tổng giám đốc, “Shark” Liên vẫn sẽ giữ vị trí Chủ tịch HĐQT CTCP Nước mặt Sông Đuống.

Cũng theo công bố thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp mới đây của Nước mặt Sông Đuống, cơ cấu ban lãnh đạo của công ty sẽ có sự góp mặt của 4 thành viên người Thái: Ông Wisate Chungwatana (thành viên Hội đồng quản trị); ông Vivat Jiratikarnsakil (thành viên Hội đồng quản trị); bà Jareeporn Jarukornsakul (thành viên Hội đồng quản trị) và một thành viên trong Ban Kiểm soát, là ông Natthapatt Tanboon-Ek.

Hai người còn lại trong ban lãnh đạo là ông Nguyễn Trọng Dũng (thành viên Ban Kiểm soát); và bà Lương Thị Mai Hương (Kế toán trưởng).

Với cơ cấu hiện tại, vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc CTCP Nước Mặt Sông Đuống vẫn do Aqua One nắm giữ (“Shark” Liên cũng là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn AquaOne).

Tuy nhiên, việc người Thái chiếm ưu thế về số lượng thành viên trong ban lãnh đạo, 3 thành viên trong HĐQT và một thành viên trong ban kiểm soát - rất có thể sẽ tác động tới các quyết định quan trọng của của công ty này, duy trì lợi ích biểu quyết cho nhà đầu tư Thái Lan.

Hiện tại, vốn điều lệ của Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống là hơn 999,6 tỷ đồng. Trong đó, WHAUP (SG) 2DR PTE.LIMITED là tổ chức nước ngoài nắm giữ 34% vốn. WHAUP là một công ty thành viên của Tập đoàn WHA – Tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực logistics và các giải pháp tiện ích công nghiệp, năng lượng hàng đầu của Thái Lan.

Hồi tháng 10, WHAUP đã công bố việc hoàn tất mua lại 2.073,19 tỷ đồng để mua lại hơn 33,98 triệu cổ phần (tương ứng với 34% vốn điều lệ) của CTCP Nước mặt Sông Đuống từ ông Đặng Tất Thắng.

Theo quan sát của VietTimes, nhiều dấu hiệu cho thấy phần cổ phần mà ông Đặng Tất Thắng bán cho WHAUP có khả năng được “gộp” từ 2 cổ đông sáng lập CTCP Nước mặt sông Đuống, là CTCP Đầu tư Việt Nam - Oman (27%) và CTCP Nước Aqua One (7%). (Đọc thêm: Thương vụ hời của “shark” Liên tại Nhà máy nước mặt Sông Đuống)

Theo công bố của WHAUP, hiện tại Aqua One đang nắm giữ 41% vốn điều lệ của Nước mặt Sông Đuống.

Cơ cấu sở hữu của CTCP Nước mặt sông Đuống trước và sau giao dịch của WHAUP.

Cơ cấu sở hữu của CTCP Nước mặt sông Đuống trước và sau giao dịch của WHAUP.

“Chuyển từ độc quyền nhà nước sang độc quyền tư nhân”

Thời gian qua, việc Hà Nội ký hợp đồng chấp thuận giá bán nước sạch tối đa 10.246 đồng/m3 từ khi lập dự án nhà máy sông Đuống, lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm đã gây nên nhiều tranh cãi.

Trước đây, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cơ sở hạ tầng như điện, nước sạch, xử lý chất thải, giao thông… vẫn do các doanh nghiệp nhà nước giữ vi thế độc quyền. Tuy nhiên, trong vài năm trở lạo đây, Nhà nước đã bắt đầu đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa, song song với việc kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân tham gia cung cấp các dịch vụ công, dẫn đến xuất hiện thêm các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước, như với trường hợp CTCP Nước mặt Sông Đuống.

Vấn đề là việc cổ phần hóa và xã hội hóa đó lại chưa thực sự giúp thị trường kinh doanh nước sạch trở nên cạnh tranh như kỳ vọng. Người dùng cơ bản vẫn phải chịu cảnh độc quyền kinh doanh nước của một số doanh nghiệp, và không có những sự lựa chọn khác khi đơn vị cung cấp nước tăng giá hay có sai phạm về chất lượng.

Sở dĩ xảy ra vấn đề này là bởi quy trình cấp nước ở Hà Nội hiện nay được thực hiện theo cơ chế độc quyền từng vùng, thậm chí là từng quận.

Chia sẻ với VietTimes, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành - Đại học Fulbright - gọi đây là quá trình chuyển từ “chuyển từ độc quyền nhà nước sang độc quyền tư nhân”.

“Mấu chốt của câu chuyện là vai trò của Nhà nước trong việc kiểm soát cả giá lẫn chất lượng cung ứng dịch vụ cơ sở hạ tầng thiết yếu”, ông Thành nhấn mạnh./.