Sếp EVN: Muốn bù hết lỗ, giá điện phải tăng cao nữa

Ông Đinh Quang Tri - Phó tổng giám đốc EVN cho biết, nếu để bù hết các khoản lỗ tồn dư trước đây thì mức tăng giá điện phải trên 12%.
Theo ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN: Nếu tính đúng, đủ và để nguồn để EVN bù hết các khoản lỗ thì giá điện phải tăng tới 12,8%
Theo ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN: Nếu tính đúng, đủ và để nguồn để EVN bù hết các khoản lỗ thì giá điện phải tăng tới 12,8%

Chiều 6/3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức họp báo về điều chỉnh tăng giá điện thêm 7,5% từ ngày 16/3.

Trao đổi với báo giới, ông Đinh Quang Tri – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong năm 2014 đã rất nhiều lần EVN trình Bộ Công thương phương án điều chỉnh tăng giá điện nhưng không được chấp thuận. 

Tháng 1/2015 EVN đã có tờ trình lần cuối đề xuất tăng giá điện. 

Nếu tính toán và cập nhật đủ các chi phí làm tăng giá đầu vào của EVN và đảm bảo cho tập đoàn này bù hết các khoản lỗ tồn dư trước đây thì mức tăng giá điện phải trên 12%. 

Tuy nhiên,  căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội, cũng như ảnh hưởng của việc tăng giá tới nền kinh tế nên EVN chỉ đề xuất tăng 9,5%. 

Bóc tách số liệu cụ thể các yếu tố cấu thành làm tăng, giảm chi phí đầu vào sản xuất điện, ông Tri minh chứng, từ tháng 8/2013 đến nay giá giá than bán cho điện tăng trên 50% so với các lần điều chỉnh trước (tùy theo từng chủng loại than). Giá khí điều chỉnh tăng giá từ tháng 4/2014, hiện giá khí trên bao tiêu đã tăng từ 3,6-3,7 USD/triệu BTU lên 5,62 USD/triệu BTU từ ngày 1/3/2016 và sẽ điều chỉnh tăng bình quân 2%/năm so với năm trước.

Theo tính toán của EVN, với chi phí sản xuất giá điện, từ 1/8/2013 -31/1/2015 yếu tố giảm khoảng 1.657 tỷ đồng, trong đó dầu trong nước làm giảm chi phí mua điện khoảng 219 tỷ đồng; giá dầu quốc tế FO giảm làm chi phí sản xuất điện giảm 1.366 tỷ đồng.

Trong khi đó, các yếu tố làm tăng chi phí sản xuất điện của EVN tới 10.441 tỷ đồng. Cụ thể, giá than tăng 4.485 tỷ đồng; giá khí trên bao tiêu là 3.532 tỷ đồng (lộ trình mỗi năm tăng khoảng 2% cũng làm chi phí mua điện tăng lên 557 tỷ đồng).

Chênh lệch tỷ giá từ 1/8/2013 đến 31/1/2015 làm chi phí mua điện tăng lên 135 tỷ đồng. Ngoài ra, thuế tài nguyên nước tăng từ 2 lên 4% làm cho chi phí mua điện của các nhà máy thủy điện ngoài EVN tăng thêm 1.590 tỷ đồng.

Chi phí mua điện từ các nhà máy thủy điện dưới 30 MW cũng bị tăng khoảng 148 tỷ đồng.

Tổng cộng các chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN là khoảng 8.833 tỷ đồng. Ngoài ra, còn một số khoản khác như bù đắp lưới điện nông thôn, chi phí môi trường rừng bổ sung năm 2011- 2012…

Ngoài ra, tính tới 31/12/2013, theo báo cáo đã được kiểm toán chênh lệch tỷ giá chưa phân bổ còn 8.811 tỷ đồng. Theo phương án tăng giá điện đã được phê duyệt thì sẽ phân bổ khoảng gần 1000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá, phần còn lại trên 7.000 tỷ đồng sẽ kéo dài phân bổ phần chênh lệch vào các năm sau.

“Trong các phương án giá điện từ năm 2011 đến nay EVN chưa lần nào tính chênh lệch tỷ giá vào giá điện. Nhưng thực tế đã dùng lợi nhuận bù đắp chênh lệch tỷ giá khoảng 18.000 tỷ đồng. Còn khoảng trên 8.000 tỷ đồng sẽ tiếp tục xử lý trong năm 2015-2016”- ông Tri nói.

Sếp EVN: Muốn bù hết lỗ, giá điện phải tăng cao nữa ảnh 1
Ngành điện dự kiến tăng doanh thu thêm 13.000 tỷ đồng với đợt điều chỉnh tăng giá điện 7,5% từ ngày 16/3 tới

Lãnh đạo EVN cho rằng, thực tế, với mức tăng giá điện 7,5% lần này thì theo tính toán của EVN, lợi nhuận của EVN chỉ khoảng 1%, tương đương khoảng 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần doanh thu tăng thêm mà EVN có được từ đợt tăng giá điện kể từ ngày 16/3 tới lên tới 13.000 tỷ đồng.

“Với EVN, mơ ước lợi nhuận 0% đã tốt rồi, vì mục tiêu kinh doanh của EVN không phải lợi nhuận, mà là vì trách nhiệm an sinh xã hội. Nếu có lợi nhuận, chúng tôi sẽ trích một phần cho quỹ đầu tư, quỹ khen thưởng phúc lợi, còn phần lớn chuyển sang dành cho đầu tư sản xuất. Nếu chi phí mua điện tăng lên EVN phải dùng khoản này chi trả cho đối tác, vì thực tế có những lúc EVN lỗ buộc phải đi vay để có tiền kịp thời trả cho đối tác mà EVN mua điện. Nhưng nếu lỗ thì EVN sẽ không thể có tiền để đầu tư tiếp, như vậy ngành điện sẽ không thể tăng trưởng”- ông Tri trần tình.

Trước câu hỏi của báo chí, rằng với mức tăng giá điện tới 7,5%- mức cao nhất trong vòng 3 năm qua thì liệu chất lượng dịch vụ cung ứng điện tới người dân sẽ tăng? Ông Tri nhìn nhận, kể cả trong trường hợp không tăng giá điện thì EVN cũng chỉ đạo các đơn vị tăng năng suất lao động và chất lượng dịch vụ, cũng như trách nhiệm cung cấp điện cho các hộ tiêu thụ.

“Tăng giá điện hôm nay không phải là ngày mai chất lượng điện lên ngay được, mà tăng để có thêm nguồn đầu tư, cấp điện an toàn, dịch vụ điện mới nâng cao được”- ông nói và nhấn mạnh thêm, “bức tranh ngành điện phụ thuộc không chỉ EVN, tập đoàn Nhà nước mà cả người tiêu dùng điện. Nếu dùng tiết kiệm thì sức ép tăng giá giảm đi. Nếu tiếp tục dùng chưa hiệu quả thì sức ép tăng giá điện lại tăng lên”.

Đánh giá tác động ảnh hưởng trực tiếp tới các hộ tiêu dùng, sử dụng điện, ông Tri cho hay, tùy thuộc vào từng đối tượng dùng điện mà mức độ tác động sẽ khác nhau. Như hộ kinh doanh, hộ tiêu thụ ít điện mức tăng giá sẽ dưới 7,5%, còn với hộ sẽ xuất mức điều chỉnh sẽ cao hơn 7,5%... Tính toán sơ bộ của EVN, với hộ dùng dưới 50kWh đầu tiên, mức tăng giá trên hóa đơn hàng tháng chỉ khoảng 4.800 đồng/gia đình.

Bổ sung thêm, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) cho biết, lần điều chỉnh lần này không phải vì mục tiêu lợi nhuận mà để tránh các tác động. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng yêu cầu là giá điện không được bán dưới giá thành. Biểu giá điện cho từng hộ cụ thể sẽ được Bộ Công thương ký ban hành vào tuần sau trên cơ sở giảm dần bù chéo giữa các hộ tiêu dùng điện, đồng thời duy trì chính sách hỗ trợ giá điện đối với các hộ nghèo.