Sẽ xem xét đồng loạt miễn, giảm phí tại các trạm BOT

VietTimes -- Trong tháng 10/2017, Tổng Cục đường bộ Việt Nam sẽ đàm phán với các nhà đầu tư BOT về việc miễn, giảm các trạm thu phí, sau đó trình Bộ Giao thông vận tải phương án để xem xét quyết định đồng loạt giải quyết.
Trạm thu phí Cai Lậy - Ảnh: Kinh tế đô thị
Trạm thu phí Cai Lậy - Ảnh: Kinh tế đô thị

Tại buổi họp báo Bộ giao thông vận tải diễn ra vào chiều ngày 28/9, ông Nguyễn Văn Huyện Tổng Cục trưởng Tổng Cục đường bộ Việt Nam cho biết, đến nay Bộ GTVT đã thực hiện miễn, giảm phí được khoảng 10 trạm. Đối với các trạm của Bộ GTVT còn lại trong tháng 10/2017 tất cả lãnh đạo Tổng Cục đường bộ (3 Tổng Cục phó và 1 Tổng Cục trưởng) sẽ trực tiếp đi và đàm phán với các nhà đầu tư. Ngoài ra, Tổng Cục sẽ phải phối hợp với các địa phương để khảo sát lưu lượng xe vùng ảnh hưởng đi qua Trạm.

Để đám phán được thì Tổng Cục đường bộ và nhà đầu tư đã phải chạy hết phương án tài chính ảnh hưởng. “Sau đó thì Bộ GTVT sẽ quyết định đồng loạt cả việc miễn, giảm đường trục và vùng ảnh hưởng” - ông Huyện nói.

Sẽ xem xét đồng loạt miễn, giảm phí tại các trạm BOT ảnh 1Tổng Cục trưởng Tổng Cục đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyên thông tin tại buổi họp báo - Ảnh: Q.V

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định thêm, “phải có sự rà soát của địa phương và đàm phán với các nhà đầu tư vì đây là cuộc nâng lên, đặt xuống nó tác động đến nhà đầu tư cho việc vay vốn tín dụng”.

Ông Đông nhấn mạnh, quan điểm chỉ đạo chung là phải khẩn trương làm việc, còn việc rà soát BOT là một quá trình còn diễn ra trong thời gian khai thác sẽ có vướng mắc và thường xuyên cơ quan quản lý, nhà đầu tư xem xét xử lý.

Đối với việc có hay không di dời Trạm thu phí Cai Lậy, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng, Trưởng ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư (PPP), Bộ GTVT cho rằng, trước khi đặt vấn đề có di dời trạm BOT Cai Lậy thì cần phải xem xét việc đặt này đúng hay sai. Ông Huy cho rằng, vị trí đặt trạm Cai Lậy là hợp lý và đúng theo quy định.

Theo ông Huy, nếu di dời trạm thì Nhà nước phải mua lại dự án của nhà đầu tư nhưng hiện nay ngân sách nhà nước khó khăn, hạn hẹp.

“Tại sao chúng ta phải làm BOT. Nếu có tiền thì đầu tư bằng ngân sách. Nhưng chúng ta không có tiền nên mới huy động vốn từ các nhà đầu tư. Bộ Giao thông vận tải không có tiền mua lại trạm thu phí Cai Lậy”, ông Huy nói.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng cho biết, sau hàng loạt sự việc xảy ra tại các trạm thu phí, Bộ đã đánh giá mặt được, chưa được, kinh nghiệm khi thực hiện dự án BOT. Trong đó, rút kinh nghiệm đầu tiên đó là phải có hệ thống văn bản đồng bộ, đầy đủ. Việc triển khai thực hiện là đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đông cho rằng việc quản lý tổ chức thực hiện có vấn đề. Một số dự án BOT chưa được đánh giá tác động xã hội, lựa chọn nhà đầu tư họ giấy tờ chứng minh năng lực nhưng khi thực hiện phải thay giữa chừng vì năng lực kém. "Làm BOT mà hợp đồng mẫu của chúng ta chưa có, chưa bao quát được tất cả vấn đề", ông Đông nói.