Xây khung pháp lý thử nghiệm các dịch vụ số trong quản lý hải quan
Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan đến năm 2025 vừa ban hành nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển Hải quan Việt Nam hiện đại đến năm 2025 cơ bản hoàn thành Hải quan số, tạo nền tảng xây dựng Hải quan thông minh.
Ngành hải quan sẽ tập trung thực hiện 6 mục tiêu chính.
Đó là hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý nhà nước về hải quan đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ để thực hiện chuyển đổi số toàn diện, triển khai Hải quan số, hướng tới Hải quan thông minh; triển khai đầy đủ, sâu rộng các cam kết, chuẩn mực quốc tế.
Hình thành không gian thí điểm dịch vụ số và xây dựng khung pháp lý cho phép thử nghiệm các dịch vụ số trong quản lý nhà nước về hải quan chưa được pháp luật quy định, qua đó tổ chức đánh giá để xây dựng hành lang pháp lý cần thiết.
Hướng tới mô hình hải quan thông minh. (Ảnh minh họa: Internet) |
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ hải quan theo hướng tập trung, hiện đại hóa, tự động hóa công tác quản lý điều hành; các quy trình thủ tục hải quan đơn giản được số hóa tối đa; các lĩnh vực nghiệp vụ được tích hợp, liên thông, tự động hóa mức độ cao; đẩy mạnh kiểm tra trước và sau thông quan, giảm tỷ lệ kiểm tra trong quá trình làm thủ tục hải quan.
Nâng cao hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN trên cơ sở đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng số hóa; kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan hải quan với các bộ, ngành.
Thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động quản lý điều hành ngành Hải quan. Xây dựng và tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trung gian.
Xây dựng và vận hành Hệ thống CNTT hải quan đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện ngành Hải quan, thực hiện Hải quan số hướng tới Hải quan thông minh với cơ sở dữ liệu số hóa tối đa, sẵn sàng kết nối và chia sẻ dữ liệu số với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan; đảm bảo tiếp nhận và chia sẻ các bộ dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao, mở dữ liệu theo quy định của pháp luật để phát triển Hải quan số hiệu quả theo kiến trúc Chính phủ số... Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế nhằm phục vụ cho công tác thực thi pháp luật hải quan cũng như tiến trình cải cách, hiện đại hóa các quy trình, thủ tục hải quan.
100% công chức hải quan gắn định danh số
Để đạt được các mục tiêu, từ nay đến 2025, cơ quan hải quan sẽ hoàn thành tái thiết kế tổng thể đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ thực hiện Hải quan số; 95% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang dữ liệu điện tử, tiến tới số hóa; 100% dịch vụ công mức 4. Đặt mục tiêu 100% công chức được gắn định danh số trong xử lý công việc; 80% hoạt động kiểm tra của hải quan được thực hiện thông qua môi trường số; 100% hồ sơ nghiệp vụ điều tra địa bàn trọng điểm được xác lập và đảm bảo có chất lượng; Ký kết tối thiểu 2 điều ước quốc tế về hải quan với các nước đối tác…
Kế hoạch cũng đặt ra các nhóm giải pháp trọng tâm gồm thể chế; thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan; quản lý rủi ro; kiểm soát hải quan; kiểm tra sau thông quan; quản lý thuế; tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực và đào tạo; CNTT, công nghệ số và Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN; cơ sở vật chất và trang thiết bị.
Thực hiện tái thiết kế và xây dựng hệ thống quy trình nghiệp vụ hải quan đơn giản, hài hòa, chuẩn hóa và đẩy mạnh tự động hóa các quy trình thủ tục theo hướng đồng bộ, liên thông, tích hợp. Hiện đại hóa công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan theo hướng tập trung, ứng dụng tối đa công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý liên quan đến lĩnh vực kiểm soát hải quan; hoàn thiện quy trình nghiệp vụ kiểm soát hải quan theo hướng đơn giản, hiệu quả đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Nghiên cứu xây dựng tổ chức bộ máy hải quan 3 cấp (cấp Tổng cục, cấp Vùng và Chi cục) theo hướng tinh gọn, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.
Theo ICTNews