Sẽ tính giá trị bất động sản vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa

VietTimes – Thông tin này được cho biết tại buổi họp báo chuyên đề về đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Bộ Tài chính tổ chức chiều 29/6.  
Ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính

Theo ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - tới giữa tháng 6/2017, mới có 19 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tiến độ cổ phần hóa này là chậm hơn so với năm trước - ông Đặng Quyết Tiến xác nhận.

Đã thế, tiến độ thoái vốn Nhà nước khỏi các doanh nghiệp đã cổ phần hóa cũng chậm không kém. Cụ thể, hết 5/2017, mới thoái được 3.445 tỷ đồng, hoàn thành thu về 14.806 tỷ đồng từ việc bán vốn tại Vinamilk.

Về nguyên nhân, theo ông Đặng Quyết Tiến, không hề mới, vì đã kéo dài nhiều năm.

Theo đó, việc chậm cổ phần hóa là do khả năng hấp thụ của thị trường chưa lớn và tư tưởng các lãnh đạo doanh nghiệp không tích cực, quyết liệt cổ phần hóa do sợ trách nhiệm.

Tại các doanh nghiệp Nhà nước có quy mô lớn, việc bóc tách các vấn đề khi cổ phần hóa lại đụng chạm trách nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp các thời kỳ  và của chính lãnh đạo doanh nghiệp hiện tại. Do đó người đứng đầu các doanh nghiệp này có tư tưởng sợ, né trách nhiệm, dù đã có chủ trương sẽ công khai và xử lý những doanh nghiệp ngại cổ phần hóa.

Dù vậy, theo ông Đặng Quyết Tiến, có thể trong tháng 6/2017 cơ quan chức năng sẽ công khai danh tính và phương án xử lý các doanh nghiệp chậm lên sàn.

Một thông tin nữa tiếp tục được nhấn mạnh tại buổi họp báo này là việc dự thảo nghị định mới về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ đưa tính giá trị những bất động sản do doanh nghiệp quản lý cũng sẽ được đưa vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.

Theo quy định hiện nay, giá trị đất doanh nghiệp thuê và trả tiền hàng năm cho Nhà nước nước tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Đây được xác định là kẽ hở bị các doanh nghiệp lợi dụng thôn tính doanh nghiệp nhưng thực tế là sở hữu đất vàng với giá rẻ, làm thất thoát tài sản Nhà nước khi cổ phần hóa.

Cũng liên quan tới việc sửa đổi các quy định nhằm bảo đảm lợi ích của nhà nước trong quản lý vốn, ông Đặng Quyết Tiến cho biết, Cục Tài chính doanh nghiệp đã đề xuất bổ sung trách nhiệm của người đại diện vốn Nhà nước trong việc thu cổ tức, lợi nhuận được chia vào ngân sách Nhà nước.

Theo đó, khi xử lý cổ tức, lợi nhuận, người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước phải báo cáo xin ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu và Bộ Tài chính.

Sau khi cơ quan đại diện chủ sở hữu đã thống nhất với Bộ Tài chính việc phân chia phần lợi nhuận, người đại diện mới tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại doanh nghiệp.

Mục tiêu đề xuất bổ sung quy định này nhằm ngăn chặn khả năng người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có thể vì lợi ích doanh nghiệp mà bỏ phiếu giữ lại lợi nhuận để tăng vốn cho doanh nghiệp trong khi chính doanh nghiệp đó lại trong diện Nhà nước không cần nắm giữ.