Đây được coi là cơ hội để cơ quan nhà nước, doanh nghiệp FDI đối thoại trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng về những tồn tại của Luật trong việc hỗ trợ các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp FDI về CNTT cũng như chia sẻ kinh nghiệm quốc tế để Việt Nam có thể hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý về CNTT, góp phần để môi trường đầu tư của Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đánh giá, qua hơn 10 năm phát triển, CNTT không những đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mà còn là ngành hạ tầng cho các ngành kinh tế khác phát triển. Tăng trưởng bình quân toàn ngành công nghiệp CNTT hơn 10 năm qua đã đạt 20%/năm. Năm 2016, tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm phần cứng, điện tử đạt gần 58 tỷ USD, nằm trong Top 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI với các lợi thế là dân số trẻ, gần 60% trong tổng dân số đang ở độ tuổi lao động (17 - 60%), nguồn lao động dồi dào, chi phí cho lao động ở Việt Nam cũng tương đối thấp, vị trí địa lý thuận lợi và nằm trong khu vực có nền công nghiệp phát triển nhanh và năng động. Việt Nam cũng dần hình thành một môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI.
Trong đó, có thể kể tới chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách ưu đãi về nhập khẩu linh kiện, chính sách ưu đãi về thuế. Đến nay, lĩnh vực công nghiệp điện tử Việt Nam đã thu hút hơn 15 tỷ USD vốn FDI với các tên tuổi lớn như Samsung, Foxconn, LG, Panasonic, Intel, Electronics, Nokia… điển hình là các nhà máy sản xuất điện thoại di động quy mô lớn của Samsung với quy mô đầu tư hơn 14 tỷ USD tại Bắc Ninh và Thái Nguyên, đã giải ngân hơn 10 tỷ USD và tạo ra gần 140.000 việc làm tại các địa phương.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng cho biết, thực tế sau hơn 10 năm triển khai thi hành Luật CNTT, trong tình hình quốc tế, sự phát triển của Việt Nam và bản thân ngành CNTT đã có nhiều thay đổi. Tại Việt Nam, năng lực quản lý, nhu cầu ứng dụng, phát triển CNTT và trình độ dân trí cũng đã được nâng cao. Thế giới đã bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI với những thay đổi cơ bản về khoa học, công nghệ, mức độ cạnh tranh trên trường quốc tế. “Hiện đang có những xu hướng phát triển công nghệ mới có nhiều đột phá và sáng tạo như IoT, SMAC, AI, Robotic… tất cả các công nghệ trên sẽ là nền tảng để thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, Thứ trưởng nói.
Nhận thức được tầm quan trọng của CNTT trong bối cảnh nêu trên, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ đạo, định hướng quan trọng về CNTT. Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực CNTT, Bộ TT&TT đã tham mưu xây dựng trình cấp thẩm quyền ban hành Nghị quyết 36 ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế và Nghị quyết 26 ngày 15/4/2015 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị với mục tiêu thúc đẩy CNTT thực sự trở thành phương thức phát triển mới, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả hoạt động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Thứ trưởng nhấn mạnh, việc rà soát, hoàn thiện các chính sách, pháp luật về CNTT để phù hợp với xu thế phát triển và thực tế trở nên cấp bách. Vì vậy, Chính phủ đã yêu cầu Bộ TT&TT chủ trì, xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung Luật CNTT, đồng thời cũng đề ra nhiệm vụ “Rà soát, hoàn thiện các chính sách thu hút có chọn lọc đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) về CNTT, ưu tiên thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp phần mềm, sản xuất nội dung số, công nghiệp bán dẫn, sản xuất vi mạch điện tử, kiểm tra, kiểm thử sản phẩm vi mạch điện tử; gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho ngành công nghiệp phần cứng - điện tử”.
Bày tỏ mong muốn được lắng nghe các doanh nghiệp FDI chia sẻ nhận định và đưa ra các kiến nghị về những rào cản pháp lý, những thách thức mà doanh nghiệp mình gặp phải, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng khẳng định trong thời gian tới Bộ TT&TT sẽ tiếp tục nỗ lực trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi trong cơ chế chính sách để tạo môi trường bình đẳng trong cạnh tranh, hỗ trợ đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.
Trao đổi với các doanh nghiệp, ông Đào Đình Khả - Vụ trưởng Vụ CNTT cho biết, là đơn vị được Bộ TT&TT giao triển khai nghiên cứu, xây dựng báo cáo đánh giá, tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT từ đầu năm 2007 - thời điểm luật này có hiệu lực thi hành cho đến nay, với sự phối hợp của rất nhiều đơn vị trong và ngoài Bộ TT&TT, Vụ CNTT đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ này từ năm 2016 và dự kiến sẽ kết thúc vào cuối quý III/2017.
“Nhiệm vụ chính của dự án này là đánh giá những kết quả đạt được, các khó khăn trong quá trình triển khai thi hành Luật CNTT thời gian qua tập trung vào 2 điểm chính là ứng dụng CNTT và phát triển ngành CNTT. Dựa trên những kết quả của việc tổng kết, đánh giá, Bộ TT&TT sẽ xây dựng kế hoạch để đưa ra đề xuất một khung pháp lý về CNTT mới, đáp ứng nhu cầu phát triển cũng như xu thế phát triển giai đoạn tới”, ông Khả cho hay.
Được biết, Luật CNTT được Quốc hội thông qua năm 2006, là văn bản luật đầu tiên về CNTT ở Việt Nam. Sự ra đời của Luật với các quy định về quản lý nhà nước về CNTT rõ ràng, minh bạch đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng cho việc phát triển và ứng dụng CNTT trong thời gian qua. Với quan điểm hỗ trợ và thúc đẩy phát triển ngành, Luật CNTT đã quy định những điều kiện thiết yếu cơ bản để phát triển Công nghiệp CNTT thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên phạm vi cả nước.
Nhiều chuyên gia đánh giá, sau 10 năm thi hành, Luật CNTT đã bộc lộ một số bất cập và hạn chế trong bối cảnh CNTT là ngành phát triển nhanh, với các thay đổi có tác động mang tính đột phá. Vai trò của CNTT trong mọi mặt đời sống xã hội, kinh tế, thương mại, giáo dục, quốc phòng,... ngày càng quan trọng và được nâng lên một tầm cao mới. Từ một lĩnh vực kỹ thuật có tính hỗ trợ, CNTT đã trở thành một động lực phát triển có tác động lan toả, toàn diện, giúp chuyển đổi các mô hình kinh doanh, nghiệp vụ truyền thống thông qua thúc đẩy sáng tạo, đổi mới dựa trên công nghệ số. Sự chuyển dịch mạnh mẽ đó đặt ra nhiều thách thức và đòi hỏi các quy định mới phù hợp trong lĩnh vực CNTT.