|
Thu mua tạm trữ lúa gạo |
Trong bối cảnh đó, chiều 13/2, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã có cuộc họp bàn về tình hình sản xuất, tiêu thụ và thu mua tạm trữ lúa gạo vụ Đông Xuân 2014-2015.
Tại cuộc họp, các đơn vị đã thống nhất sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo và thời gian thu mua từ 1/3 đến 15/4.
Nhà nước hỗ trợ lãi suất ngân hàng tối đa 4 tháng cho doanh nghiệp mua tạm trữ; phương thức tạm trữ là thông qua đầu mối Hiệp hội Lương thực Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long phân giao chỉ tiêu mua tạm trữ lúa gạo cho các doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám cũng đề nghị, sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị chủ động triển khai.
Đặc biệt, VFA phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc phân giao chỉ tiêu; chỉ đạo các thành viên tích cực triển khai thu mua lúa gạo cho nông dân; đồng thời thường xuyên theo dõi nắm bắt tình hình diễn biến, giá cả, thị trường trong nước và quốc tế để kịp thời đề xuất.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng đề nghị Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu cải tiến các quy trình thủ tục cho vay để doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận với nguồn vốn, giúp đẩy nhanh tiến độ mua tạm trữ.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng sản lượng lúa vụ Đông Xuân 2014-2015 vùng Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến là 11,3 triệu tấn, tương đương 4,3 triệu tấn gạo hàng hóa.
Dự kiến xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm 2015 là 1,4 triệu tấn. Lượng gạo tồn kho đến hết năm 2014 là trên 707.000 tấn (làm tròn 0,7 triệu tấn). Như vậy, số lượng gạo hàng hóa cần tiêu thụ tiếp vụ Đông Xuân năm 2014-2015 là 3,6 triệu tấn.
Ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối, giá lúa hiện đang có xu hướng giảm, trong khi tình hình xuất khẩu gạo vẫn gặp nhiều khó khăn nên đặt ra yêu cầu cấp bách hiện nay phải tiêu thụ nhanh, kịp thời lúa, gạo cho nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo báo cáo từ hệ thống cung cấp giá tại địa phương, diễn biến giá lúa từ ngày 26/1 đến 11/2 đã có sự sụt giảm tương đối.
Tại An Giang, giá thu mua lúa tươi IR50404 giảm từ 4.600 đồng xuống chỉ còn 4.250 đồng/kg; lúa MO 2514, MO 1490, MO 2717 giảm mạnh từ 5.050 đồng xuống chỉ còn 4.400 đồng/kg.
Tại Kiên Giang, lúa tẻ thường từ 5.500 đồng xuống 5.100 đồng/kg, lúa dài giảm từ 6.000 đồng xuống 5.500 đồng/kg.
So với giá thành bình quân sản xuất lúa vụ Đông Xuân năm 2014-2015 ở Đồng bằng sông Cửu Long (do Bộ Tài chính công bố ngày 15/1/2015) là 3.417 đồng/kg thì người trồng lúa vẫn có lãi trên 30%.
Tuy nhiên giá lúa thị trường hiện tại đã tiệm cận với giá định hướng bình quân tại Đồng bằng sông Cửu Long là 4.442 đồng/kg.
Theo ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký VFA, việc quyết định thu mua tạm trữ lúa gạo vào thời điểm này là hợp lý. Nếu không thu mua lúc này thì giá lúa sẽ tiếp tục giảm.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam , lượng hợp đồng đăng ký xuất khẩu gạo đến ngày 31/1 chỉ khoảng 1 triệu tấn, trong đó còn 504.000 tấn chuyển sang từ năm 2014. Do nguồn cung dồn dào khiến thị trường xuất khẩu gạo trong tháng 1 khá trầm lắng, giá chào bán có xu hướng giảm nhẹ. Hiện các doanh nghiệp đang chào bán gạo 5% tấm với giá 360-370 USD/tấn.
Với tình hình giá chào bán xuất khẩu hiện nay, VFA nhận định, các nước có tiềm năng xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan, Ấn Độ đang cạnh tranh quyết liệt với Việt Nam, nhất là phân khúc gạo chất lượng trung bình và thấp vào các thị trường như Trung Quốc, Đông Nam Á (Philippines, Malaysia, Indonesia), châu Phi (Nigieria), châu Mỹ (Cuba, Mexico).
Trong ngày 13/2, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 1180/VPCP-KHTH gửi các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, VFA đồng ý chủ trương thu mua tạm trữ lúa gạo vụ Đông Xuân 2014-2015 để ổn định giá lúa, gạo./.
Theo VietNam+