Lợi nhuận là ưu tiên
Tính chung hai năm qua, giá sữa bột nguyên liệu trên thị trường thế giới đã giảm trên dưới 50%, nhưng theo chính người trong cuộc, như phân tích của bà Thái Hương, thì người tiêu dùng không được hưởng lợi từ việc giảm giá đó.
Thị trường sữa Việt Nam khởi phát và đã định vị bằng sữa được pha lại từ sữa bột nguyên liệu nhập khẩu (thường gọi là sữa hoàn nguyên). Năm 2008, tỷ lệ sản phẩm sữa được sản xuất, pha lại từ sữa bột nguyên liệu nhập khẩu là 92% và chủ yếu là từ thị trường Trung Quốc.
Đến nay, tỷ lệ này đã giảm xuống còn khoảng 70%, một phần từ sự tự chủ động nguồn sữa tươi đầu vào của một số doanh nghiệp trong nước.
Nhưng 70% vẫn là một tỷ lệ rất cao. Nó cho thấy một thực tế ngược của thị trường sữa Việt Nam. Tại nhiều nước phát triển, chỉ có khoảng 3% sữa bột công thức và tới 97% sữa tươi, sản phẩm sữa được sản xuất từ sữa tươi.
Đáng lưu tâm hơn, với tỷ lệ đó, Việt Nam vẫn phải chi trả hàng tỷ USD mỗi năm để nhập sữa nguyên liệu, thay vì chủ động hơn ở trong nước. Điều này càng nghịch lý trong chuyện nông dân đổ sữa xảy ra mới đây (và không chỉ là một lần).
Lẽ thường, mục tiêu của các nhà kinh doanh là lợi nhuận, tìm cách tối đa hóa lợi nhuận. Giá sữa bột nguyên liệu nhập khẩu liên tục giảm sâu trong thời gian qua, giá sản phẩm trong nước phần lớn chỉ trượt nhẹ tạo nên chênh lệch hấp dẫn “vô tình” góp thêm lý do gạt người nông dân ra, và là nguồn gốc sâu xa của chuyện họ đổ sữa.
“Bản chất hoạt động của doanh nghiệp là tạo ra lợi nhuận. Các cơ quan chức năng không thể can thiệp hay xử lý họ vì lựa chọn nguyên liệu đầu vào chỉ vì mục tiêu lợi nhuận”, bà Thái Hương nói.
Tuy nhiên, người trong cuộc này cho rằng, các cơ quan chức năng có thể buộc các nhà sản xuất tuân thủ việc công bố chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất và đặc biệt là nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng để người tiêu dùng nhận biết.
Ngày càng khắt khe
Trở lại với chuyện nông dân đổ sữa, bà chủ TH True Milk xem đây là bài học cay đắng. Kinh nghiệm với các hộ dân là phải nắm chắc hợp đồng, rõ ràng các cam kết. Cùng đó là trách nhiệm của nhà thu mua.
Dù vậy, bà cảnh báo về một xu hướng, mà nếu người nông dân không thay đổi nhãn quan và cách làm thì trong tương lai khó tránh chuyện bị "bỏ rơi giữa đường".
Đó là yêu cầu đối với chất lượng sữa nguyên liệu đầu vào đang ngày càng khắt khe.
Chất lượng sản phẩm sữa phụ thuộc phần lớn vào chất lượng nguyên liệu đầu vào, phương pháp và thiết bị chế biến chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Yêu cầu minh bạch chất lượng nguyên liệu đầu vào ở câu chuyện đổ sữa có tính hai mặt: một mặt để bảo vệ người tiêu dùng, một mặt là “áp lực” đối với các hãng nhập sữa bộ về pha lại, cũng như đối với các hộ dân còn tạo nguyên liệu một cách thủ công.
Theo bà Thái Hương, đến nay và về sau, khi mức độ nhận biết của người tiêu dùng ngày càng cao, thì sự sàng lọc, đào thải của thị trường sẽ ngày càng khắc nghiệt, thậm chí hơn cả chuyện đổ sữa.
“Người tiêu dùng đã hiểu sữa nguyên liệu đầu vào có quy trình chuẩn hóa từ khâu chọn giống, chăm sóc, thức ăn, thú y sẽ hoàn toàn khác và có chất lượng vượt trội so với sữa nguyên liệu được sản xuất theo quy trình, phương pháp chăn nuôi, thu gom thủ công, quy mô nhỏ lẻ. Họ cũng hiểu vi chất dinh dưỡng trong sữa tươi sạch sẽ bị mất do quá trình gia nhiệt nhiều lần khi sản xuất sữa bột nguyên liệu và hoàn nguyên; hiểu thế nào là nhiễm khuẩn do điều kiện tiểu khí hậu thâm nhập vào quy trình…”, bà chủ TH True Milk giải thích thêm.
Và một ví dụ được đưa ra để so sánh là “cô bò” được gắn chíp hay không.
Nuôi bò sữa cần chú ý nhất là bệnh viêm vú. Tại TH True Milk, đàn bò được gắn chíp cảnh báo được bệnh này trước 4 ngày. Khi có biểu hiện của bệnh trước 4 ngày, máy vắt sữa sẽ tự động “từ chối” vắt. Nếu không có hệ thống này thì khả năng nguồn sữa nguyên liệu bị lẫn, nhiễm mủ và máu là có thể xẩy ra.
Từ ví dụ trên, bà Hương cảnh báo về xu hướng yêu cầu chất lượng đầu vào sẽ ngày càng chặt chẽ, thậm chí là tiêu chuẩn hàng đầu trong cạnh tranh giữa các hãng, mà “cô bò” gắn chíp chỉ là một trong nhiều ứng dụng công nghệ.
Trong xu hướng đó, bà cho rằng các hộ dân nuôi bò đang đứng trước ba lựa chọn: một là tiếp tục làm một cách thủ công và có thể chuyện đổ sữa lại xảy ra; hai là thực sự nhập cuộc, đầu tư chuẩn hóa công nghệ để đảm bảo sự khắt khe chất lượng đầu vào đó; ba là chỉ tham gia vào chuỗi quy trình ở mắt xích là trồng vùng nguyên liệu nuôi bò.
Lựa chọn thứ nhất đã có bài học cay đắng. Lựa chọn thứ hai là thử thách lớn về chi phí đầu tư cho công nghệ, gắn với yêu cầu cạnh tranh giá bán nguyên liệu.
Lựa chọn thứ ba được bà chủ TH True Milk nhìn nhận là khả thi và an toàn hơn cả.
Bà Thái Hương nói thêm rằng: “Ba lựa chọn trên cũng cho thấy thị trường sữa Việt Nam phải được chuẩn hóa và điều tiết. Sẽ không có con đường nào khác ngoài con đường mà chúng tôi đang đi, tức là phải chuẩn hóa ngay từ giống, có phả hệ rõ ràng, đến quy trình chuẩn chăm sóc, thức ăn, chế biến, bảo quản… thì mới có thể đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường”.
Theo Vneconomy