Bộ Y tế và Viettel vừa chính thức khai trương hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia vào chiều 24/3.
Việc xây dựng và đưa Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia vào hoạt động góp phần hiện đại hóa hệ thống thông tin tiêm chủng trong ngành y tế, tiến tới phát triển hệ thống thông tin trong quản lý toàn diện sức khỏe người dân tại tuyến y tế cơ sở.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, sau hơn 30 năm triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng, hàng trăm triệu liều vắc xin đã được tiêm miễn phí cho trẻ em và phụ nữ với nhiều loại vắc được sử dụng. Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005, tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em như bạch hầu, ho gà, sởi... đã giảm hàng trăm đến hàng nghìn lần so với trước.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho biết, công tác tiêm chủng cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức như việc làm thế nào để nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là các bậc cha mẹ về tầm quan trọng của việc tiêm chủng. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,7 triệu trẻ em ra đời nhưng vẫn còn những trẻ em trong độ tuổi chưa được tiêm chủng đầy đủ; vẫn còn một số xã, phường, mặc dù không nhiều, chủ yếu là các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn có tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp. Do đó, nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm là rất lớn.
“Vì vậy, việc ứng dụng CNTT trong việc cung cấp thông tin tiêm chủng, quản lý lịch sử tiêm chủng, thống kê báo cáo, chỉ đạo điều hành là bước đột phá lớn trong ngành y tế nói chung, trong công tác tiêm chủng nói riêng nhằm khắc phục những tồn tại trong công tác tiêm chủng hiện nay”, Thứ trưởng chia sẻ.
Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia được khai trương ngày 24/3.
Hệ thống thông tin quản lý tiêm chủng quốc gia được xây dựng trên công nghệ điện toán đám mây, sử dụng dễ dàng trên cả máy tính bảng, điện thoại thông minh; quản lý, lưu trữ một số lượng lớn thông tin tiêm chủng của trẻ em ở độ tuổi tiêm chủng trên tất cả các trạm y tế cấp phường/xã, quận/huyện và tỉnh/thành phố.
Hệ thống đã đảm bảo các tiện ích trong việc triển khai tiêm chủng, trong việc quản lý tiền sử tất cả các đối tượng tiêm chủng một cách thuận lợi, đặc biệt các tiện ích cho người dân như: đăng ký tiêm chủng, hẹn lịch tiêm, nhắn tin nhắc người dân đi tiêm chủng, tra cứu lịch sử tiêm chủng của người thân khi tham gia tiêm chủng. Lịch sử tiêm chủng người dân được theo dõi suốt đời, theo dõi được tình trạng tiêm chủng trẻ em khi nhập học cũng như suốt quá trình học tập của trẻ em trong nhà trường, thông tin được bảo mật cao.
Bên cạnh đó, việc quản lý số liệu thống kê tiêm chủng đã được hiện đại hóa, thay thế hoàn toàn việc sử dụng giấy giúp cải cách hành chính, tiết kiệm chi phí, thời gian cho cán bộ y tế tại các tuyến, nhất là tuyến y tế cơ sở. Thông qua hệ thống, cán bộ y tế tất các tuyến luôn nắm được tình hình tiêm chủng trên phạm vị cả nước cũng như từng tỉnh, huyện, xã/phường.
Đồng thời, hệ thống cũng rất hữu ích cho công tác chỉ đạo, điều hành triển khai các hoạt động tiêm chủng một cách khoa học, linh hoạt và hiệu quả, kịp thời phát hiện được những đối tượng chưa được tiêm chủng đầy đủ, các bản, làng, xã, phường có tỷ lệ tiêm chung thấp để triển khai ngay các hoạt động hỗ trợ, vận động người dân tham gia đủ nhằm tạo hiệu quả cao nhất cho công tác tiêm chủng phòng bệnh.
Phát biểu tại lễ khai trương, ông Tống Viết Trung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel - đơn vị được Bộ Y tế lựa chọn đồng hành triển khai dự án, nhận định sự kiện khai trương Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia một lần nữa khẳng định sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Y tế trong việc xây dựng một nền y tế ưu việt, lấy người dân làm trung tâm, hướng tới một xã hội mạnh khỏe, giảm thiểu đến mức tối đa nguy cơ bệnh tật.
Ông Tống Viết Trung nhấn mạnh: “Sự tham gia một cách tích cực và chủ động của các địa phương cho thấy dự án đã được định hướng đúng, cân nhắc tỉ mỉ các yếu tố kỹ thuật nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu thực tế của các đơn vị y tế cơ sở”.