|
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương. |
Thông tin được đưa ra tại lễ trao giải thưởng Sao Khuê năm 2024 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức ngày 13/4.
Phát biểu tại lễ trao giải, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương cho rằng, sự thay đổi của ngành khoa học máy tính, CNTT đang diễn ra hết sức mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam đang tham gia rất tích cực vào quá trình thay đổi này.
Trong chặng đường phát triển suốt hai thập kỷ vừa qua, Việt Nam có thể tự hào về sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Truyền thông
“Một trong những điểm nhấn của ngành là có tổng doanh thu của năm 2023 gấp khoảng 240 lần so với năm 2000, tăng trưởng doanh thu bình quân, đạt 15 - 20%/năm, gấp đôi tăng trưởng bình quân GDP của cả nước”, Thứ trưởng Phương đánh giá.
Nhìn lại quá trình phát triển của ngành, theo Thứ trưởng Phương, trước đây chúng ta chỉ biết sử dụng công nghệ sản phẩm của nước ngoài thì hiện nay đã chuyển sang sử dụng các sản phẩm Make in Vietnam; từ việc chỉ hoạt động tại thị trường trong nước thì nay đã có những tập đoàn những công ty lớn vươn ra thị trường toàn cầu.
Nhắc tới chuyến công tác của đoàn Chính phủ sang Mỹ gần đây, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương nhấn mạnh không chỉ doanh nghiệp Mỹ mà các doanh nghiệp quốc tế đều đang rất quan tâm phát triển 2 công nghệ mới là bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).
Bộ Thông tin và Truyền thông xác định AI sẽ là công nghệ chính và quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay.
Với định hướng phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động, “năm 2024 ngành thông tin Truyền thông sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển ứng dụng AI nhất là AI hẹp, tạo ra những ứng dụng AI cho từng lĩnh vực, phát triển các AI công nghiệp, cung cấp và phổ cập dịch vụ AI trên phạm vi cả nước”, ông Bùi Hoàng Phương nói.
90% các sản phẩm, dịch vụ đạt giải đã tích hợp AI
Theo thống kê của Ban Tổ chức Giải thưởng Sao Khuê 2024, có đến hơn 90% các sản phẩm, dịch vụ đã được tích hợp các ứng dụng AI để hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, người dân. Các ngành, lĩnh vực đang thực hiện số hóa rất nhanh và mạnh mẽ. Dữ liệu lớn đang được tạo ra ngày càng nhanh và nhiều. Đây là một trong những điều kiện rất tốt cho nghiên cứu, ứng dụng và phát triển của AI.
Mặc dù Việt Nam vẫn đang ở khoảng cách xa so với các nước trong khu vực về nghiên cứu và ứng dụng AI. Tuy nhiên, hàng loạt các giải pháp ứng dụng, nền tảng, trợ lý ảo AI “Make in Vietnam” do doanh nghiệp công nghệ trong nước nghiên cứu và phát triển đã được cho ra mắt.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức Sao khuê 2024, điều này không chỉ mang lại sự bùng nổ ứng dụng AI trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội mà còn giúp các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam thuận lợi trong công cuộc tiến ra thế giới.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA nói, trong sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, Việt Nam là quốc gia được chọn cho chiến lược phát triển sắp tới nhờ ưu thế lớn về nhân lực và địa chính trị. Các doanh nghiệp công nghệ số đang đứng trước nhiều cơ hội, và cũng đang cần những nỗ lực sáng tạo rất lớn và quyết tâm lớn hơn nữa.
Qua 3 vòng sơ loại, thuyết trình và Hội nghị Chung tuyển, Hội đồng Chung tuyển toàn quốc do TS.Nguyễn Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, làm chủ tịch cùng hội đồng 37 chuyên gia đã lựa chọn để trao Giải thưởng Sao Khuê 2024 trong số 169 đề cử từ 117 doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Ban Tổ chức, doanh thu năm 2023 của 169 đề cử đạt Giải đạt trên 73 nghìn tỉ đồng, tương đương hơn 3 tỉ USD, chiếm gần 30% doanh thu của toàn ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam năm 2023.
Sao Khuê 2024 ghi nhận 33 sản phẩm – giải pháp mới, những đổi mới sáng tạo công nghệ đa dạng phục vụ nhiều lĩnh vực, cũng như phát triển công nghệ lõi từ các nền tảng công nghệ AI, điện toán đám mây, 3D và Big Data.