|
Ảnh minh hoạ: Internet |
Tại dự thảo tờ trình Chính phủ về dự án Luật An ninh mạng, Bộ Công an cho biết mục đích của việc xây dựng Luật An ninh mạng là nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý ổn định về an ninh mạng theo hướng áp dụng các quy định pháp luật một cách đồng bộ, khả thi trong thực tiễn thi hành; phát huy các nguồn lực của đất nước để bảo đảm an ninh mạng, phát triển lĩnh vực an ninh mạng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đồng thời, bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng, xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh; triển khai công tác an ninh mạng trên phạm vi toàn quốc, đẩy mạnh công tác giám sát, dự báo, ứng cứu và diễn tập ứng cứu sự cố an ninh mạng, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; đảm bảo hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Việc xây dựng Luật An ninh mạng cũng hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực tự chủ về an ninh mạng, hoàn thiện chính sách nghiên cứu, phát triển chiến lược, chia sẻ thông tin về an ninh mạng; mở rộng hợp tác quốc tế về an ninh mạng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.
Dự thảo Luật An ninh mạng gồm 6 Chương, 64 Điều quy định về nguyên tắc, biện pháp, nội dung công tác an ninh mạng, hoạt động bảo đảm triển khai công tác an ninh mạng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tới hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng không gian mạng và bảo vệ an ninh mạng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đối tượng áp dụng các quy định tại Luật này là cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan tới hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng không gian mạng và bảo vệ an ninh mạng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Dự thảo Luật An ninh mạng quy định các biện pháp bảo vệ an ninh mạng bao gồm: Các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia theo pháp luật về an ninh quốc gia, biện pháp nghiệp vụ an ninh mạng, biện pháp tác chiến trên không gian mạng và các biện pháp khác theo quy định của pháp luật. Chính phủ quy định nội dung, điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục và trách nhiệm áp dụng các biện pháp này.
Dự thảo Luật cũng đề xuất 5 hành vi bị nghiêm cấm, đó là: Sử dụng không gian mạng xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; Đăng tải chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục trên không gian mạng; Xâm nhập, chiếm đoạt trái phép thông tin, tài liệu; Tấn công mạng; Khủng bố mạng.
Tổ chức, cá nhân nào vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, tại dự thảo Luật An ninh mạng, Bộ Công an cũng dành hẳn chương II để quy định về các hoạt động bảo vệ an ninh mạng với các nội dung chính như: Phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia; Bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; Giám sát, dự báo, ứng cứu và diễn tập ứng cứu sự cố an ninh mạng; Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an ninh mạng và cấp phép kinh doanh dịch vụ bảo đảm an ninh mạng.
Đơn cử như, theo quy định tại dự thảo Luật An ninh mạng, các biện pháp để xử lý thông tin kích động tụ tập đông người gây rối an ninh, trật tự trên không gian mạng; thông tin chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục trên không gian mạng, bao gồm: yêu cầu chủ thể đăng tải thông tin gỡ bỏ bài viết; ngăn chặn, xóa bỏ thông tin; tạm đình chỉ, đình chỉ hoặc rút giấp phép hoạt động của trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử đăng tải thông tin; điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Về điều kiện cấp phép kinh doanh dịch vụ bảo đảm an ninh mạng, dự thảo Luật nêu rõ, người đứng đầu cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo đảm an ninh mạng phải có lý lịch rõ ràng và không thuộc một trong các trường hợp: Người chưa thành niên, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử; người đang bị tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề có liên quan.
Đồng thời, cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo đảm an ninh mạng phải đáp ứng tiêu chuẩn số lượng về đội ngũ nhân viên kỹ thuật có bằng đại học chuyên ngành hoặc chứng chỉ an ninh mạng, công nghệ thông tin, viễn thông; có mô tả về phương án kinh doanh dịch vụ bảo đảm an ninh mạng phù hợp với quy định của pháp luật; có hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất và công nghệ phù hợp với mô tả về phương án kinh doanh dịch vụ an ninh mạng.
Ngoài ra, dự thảo Luật An ninh mạng còn quy định về các hoạt động nhằm triển khai công tác an ninh mạng trên phạm vi cả nước; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực an ninh mạng; và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với việc bảo vệ an ninh mạng.