Sẽ coi bệnh COVID-19 là "bệnh lưu hành" khi thời điểm thích hợp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bộ Y tế tiếp tục theo dõi tình hình, cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để có thể coi bệnh COVID-19 là "bệnh lưu hành" hay như một số chuyên gia gọi là "bệnh đặc hữu" khi thời điểm thích hợp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Thủ tướng Phạm Minh Chính (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Đó là ý kiến của Bộ Y tế tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra vào hôm nay, 5/3, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.

Biến chủng Omicron có khả năng tái nhiễm

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trước số ca nhiễm tăng cao, Bộ Y tế đã kiểm tra tình hình cung ứng, sử dụng oxy tại TP. Hà Nội và đánh giá các đơn vị sử dụng cơ bản đã đảm bảo cơ sở vật chất và cung ứng khí ô xy y tế đáp ứng điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.

Bộ Y tế đang tiếp tục làm việc với các bộ, ngành để có phương án bình ổn giá trang thiết bị y tế phòng, chống dịch. Bộ cũng sẽ tiếp tục theo dõi tình hình, cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để có thể coi bệnh COVID-19 là "bệnh lưu hành" hay như một số chuyên gia gọi là "bệnh đặc hữu" khi thời điểm thích hợp.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh vấn đề vaccine vẫn đặc biệt hiệu quả trong giảm mức độ nặng, tử vong và nhập viện, kể cả với biến chủng Omicron. Vì vậy, việc tiêm chủng phải được coi là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, khả năng tái nhiễm của biến chủng Omicron là có nên vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, ngành y tế đang tiến hành từng bước, hướng tới điều trị COVID-19 như điều trị bệnh nhân thông thường.

Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường và hoàn thành tiêm mũi 3, mũi nhắc lại vaccine phòng COVID-19 trong tháng 3 này; ưu tiên quản lý nhóm nguy cơ cao; tăng cường năng lực cách ly, điều trị tại nhà...

Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định: Trong giai đoạn này, việc thực hiện thông điệp 5K + vaccine + thuốc điều trị và ý thức là rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Tỉ lệ nhiễm tăng cao nhưng số ca nặng rất thấp

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng thời gian qua tỉ lệ nhiễm tăng cao nhưng số ca nặng rất thấp là do chúng ta thực hiện rất tốt chiến dịch tiêm chủng vaccine với tỉ lệ lên tới 98-99%. Người dân tuân thủ đầy đủ việc thực hiện 5K, nhất là đeo khẩu trang. Chúng ta cũng kiểm soát hiệu quả việc không để tăng số ca bệnh chuyển nặng bằng cách theo dõi chặt chẽ nhóm nguy cơ cao ngay từ cơ sở.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu, cần điều chỉnh các hướng dẫn chuyên môn về phòng, chống dịch như đánh giá cấp độ dịch; cách ly y tế F1, F0; cấp phát thuốc điều trị…

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận các ý kiến đều cơ bản đồng tình với báo cáo của Bộ Y tế và đóng góp nhiều nội dung tâm huyết, sát thực tế. Việt Nam đang hoàn thành các thủ tục để mua 22 triệu liều vaccine Pfizer để tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Sau khi điện đàm với Thủ tướng, lãnh đạo hãng Pfizer đã cam kết cố gắng hoàn thành việc bàn giao vaccine chậm nhất trong quý II/2022.

Nghiên cứu việc tiêm mũi 4

Thủ tướng khẳng định chiến dịch tiêm vaccine đã thành công, đạt tỉ lệ rất cao so với thế giới, riêng chiến dịch tiêm chủng thần tốc mùa xuân đã tiêm được 14 triệu liều. Chúng ta cũng đang nghiên cứu việc tiêm mũi 4. Chúng ta đã kết hợp hài hòa, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả giữa điều trị tại cơ sở y tế và tại nhà. Kiểm soát rủi ro dịch bệnh theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP đang đi đúng hướng, từng bước chứng tỏ hiệu quả rõ rệt.

Về bảo đảm thuốc điều trị, Thủ tướng cho rằng đây là việc khó nên được tiến hành rất thận trọng, hướng tới vừa giải quyết vấn đề cấp bách đặt ra chưa có tiền lệ, vừa bảo đảm sức khỏe người dân, vừa tuân thủ các quy định. Bộ Y tế đã cấp phép được một số loại thuốc để phòng, chống dịch. Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt để nhanh chóng cấp phép thêm các loại thuốc phù hợp tình hình, thông lệ quốc tế, các quy định của pháp luật.

Việc sản xuất vaccine trong nước được thúc đẩy với tinh thần cắt giảm tối đa thủ tục hành chính nhưng bảo đảm các yêu cầu về chuyên môn, khoa học, đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết – Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu cần thần tốc hơn nữa trong tiêm vaccine, trong quý I phải hoàn thành việc tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi (trừ các đối tượng chống chỉ định và chưa tới thời gian tiêm); hoàn thành việc tiêm mũi thứ 2 cho người từ 12-17 tuổi trong tháng 3; chuẩn bị tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi; nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4 và các cháu dưới 5 tuổi…

Bộ Y tế khẩn trương cấp phép các loại thuốc phòng chữa bệnh bảo đảm an toàn, phù hợp tình hình, quy định và thông lệ quốc tế; chủ trì, tăng cường hướng dẫn các biện pháp điều trị tại nhà, tại cơ sở bảo đảm hiệu quả, không để quá tải hệ thống y tế, nhất là tầng 3, tập trung quản lý người có nguy cơ cao và người lao động.