SCIC: Tiền không phải mục đích duy nhất khi bán vốn Nhà nước

Theo ông Nguyễn Hồng Hiển, Phó Tổng giám đốc SCIC, việc thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ được đặt trong bức tranh tổng thể để đảm bảo doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt, tạo giá trị chung cho xã hội.
SCIC: Tiền không phải mục đích duy nhất khi bán vốn Nhà nước

Phần vốn Nhà nước sau khi bán xong vẫn được coi trọng nhưng không phải là mục đích duy nhất.

Sáng 8/9, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tổ chức Hội thảo "Phát huy vai trò cổ đông Nhà nước trong quản trị Công ty cổ phần".

Theo ông Nguyễn Hồng Hiển, Phó Tổng giám đốc SCIC, bản thân SCIC đã theo đuổi vấn đề về quản lý vốn Nhà nước từ rất lâu và đang trong quá trình hoàn thiện dần chức năng sở hữu vốn Nhà nước.

Theo ông Hiển, phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp không chỉ đại diện bởi SCIC mà còn đại diện bởi nhiều cơ quan khác. Theo thống kê sơ bộ, phần vốn mà SCIC đại diện cho Nhà nước tại các doanh nghiệp chiếm khoảng 3-5% tổng số vốn Nhà nước hiện nay tại các doanh nghiệp. Do đó, vấn đề cổ đông Nhà nước không chỉ là vấn đề của SCIC. Ông Nguyễn Hồng Hiển đã cùng các khách mời trả lời các câu hỏi về cổ đông và doanh nghiệp.

Thế nào là cổ đông năng động? Ban điều hành có thể kỳ vọng những đóng góp nào từ cổ đông?

Theo bà Nguyễn Nguyệt Anh, đại diện IFC, các cổ đông sở hữu đa số sẽ giành nhiều thời gian cho công ty mình góp vốn hơn so với các cổ đông nhỏ lẻ. Bà Nguyệt Anh lấy ví dụ, trên thị trường Việt Nam hiện nay có rất nhiều cổ đông tổ chức như Mekong Capital, Dragon Capital, Vina Capital. Các cổ đông tổ chức này tuy không nắm cổ phần chi phối, mà chỉ sở hữu từ 20% trở xuống, hoặc có nơi chỉ nắm 3-5%, tuy nhiên, các cổ đông tổ chức này có những vai trò rất tốt liên quan đến việc tăng cường hiệu quả quản trị công ty.

Bà Nguyệt Anh cho biết, Dragon Capital, một tổ chức mà IFC đầu tư vào, là một cổ đông trên thị trường Việt Nam đã từ rất lâu và rất hiểu thị trường Việt Nam. Dragon Capital trước khi đến với các công ty luôn có các câu hỏi liên quan đến quản trị. Khi Dragon Capital đầu tư vào doanh nghiệp, tổ chức này sẽ cử người đại diện vào Hội đồng quản trị và hầu như những người này đều có kinh nghiệm và kiến thức về ngành, tăng cường vai trò quản trị. Ngoài ra, Dragon Capital còn đưa vào những thông lệ tốt cho thị trường, như việc phát động lễ trao giải báo cáo thường niên.

Về phía cổ đông nhỏ lẻ, bà Nguyệt Anh cho rằng, cổ đông nhỏ lẻ nên tham gia vào các Đại hội cổ đông thường niên và đóng góp ý kiến, xây dựng cho công ty. Để trở thành cổ đông tốt, cổ đông nhỏ lẻ cần hiểu về doanh nghiệp.

Ông Trần Túc Mã, Phó Chủ tịch hội đồng quản trị Traphaco bổ sung, mỗi doanh nghiệp có một thế mạnh, nhu cầu và mong muốn riêng. Do đó, để trở thành cổ đông năng động, cổ đông cần biết mình có thế mạnh gì và doanh nghiệp cần điều gì để có thể hỗ trợ.

Theo bà Chu Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Telecom, cổ đông năng động là người luôn tạo điều kiện, cầu nối và có những cơ hội tốt cho công ty để phát triển các hoạt động kinh doanh của mình.

Về mặt pháp lý, cổ đông Nhà nước khác gì cổ đông thường? Có hay không quyền ưu tiên hay trách nhiệm khác biệt đối với cổ đông Nhà nước?

Theo ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM, xét về mặt luật pháp và dưới góc nhìn từ phía công ty, tất cả các cổ đông có quyền và nghĩa vụ như nhau, không có sự phân biệt. Tuy nhiên, từ nhu cầu thực tiễn, cổ đông Nhà nước và người đại diện phần vốn Nhà nước có nhiều trách nhiệm hơn đối với doanh nghiệp. Những người đại diện phần vốn Nhà nước ngoài việc thực hiện đúng các quyền, còn là cầu nối giữa Nhà nước và lợi ích của doanh nghiệp, cần làm hài hòa giữa lợi ích các bên.

Ngoài ra, ông Hiếu cho rằng, người đại diện phần vốn Nhà nước cần gương mẫu, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp nhiều hơn so với cổ đông bình thường.

Ông Nguyễn Hồng Hiển nói thêm, xu thế về quản trị tiên tiến hiện nay còn thúc đẩy sự bình đẳng giữa các cổ đông, bảo vệ các cổ đông nhỏ lẻ để các cổ đông nhỏ lẻ cũng có vai trò như cổ đông lớn trong doanh nghiệp.

Theo ông Hiển, khi SCIC thực hiện việc bán vốn tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ vốn, SCIC đặt việc thoái vốn trong bức tranh tổng thể, để tìm cách thoái vốn mà doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt, chứ không chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Phần vốn Nhà nước sau khi bán xong vẫn được coi trọng nhưng không phải là mục đích duy nhất.

Mục tiêu công ty hoạt động là đúng pháp luật, có hiệu quả, cổ tức cao, giá trị cổ phần, cổ phiếu ngày càng tăng là mục tiêu chung của các cổ đông. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này thì cách tiếp cận của các cổ đông khác nhau, vậy làm thế nào để hài hòa mục tiêu của các cổ đông?

Theo bà Nguyệt Anh, việc cân bằng lợi ích hài hòa của các cổ đông có thể làm được thông qua việc minh bạch thông tin. Bà Nguyệt Anh cho rằng, các cổ đông lớn thông qua việc cử người đại diện vào Ban điều hành có thể nắm được các thông tin về doanh nghiệp một cách kịp thời trong khi cổ đông nhỏ lẻ tiếp cận các thông tin này khó khăn hơn và điều này sẽ gây ra mâu thuẫn lợi ích. Chính vì vậy, việc công bằng, công khai hóa thông tin có thể giúp cổ đông nhỏ lẻ đỡ thiệt thòi so với cổ đông lớn.

Đại diện của IFC cho biết, IFC đang làm thẻ điểm Asean về quản trị công ty 6 nước trong khu vực bao gồm Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Phillipines và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong 6 nước này, với chỉ số minh bạch dưới trung bình (<50%) trong khi chỉ số của Thái Lan ở mức 80-85%.

Theo bà Chu Thanh Hà, trong mười mấy năm điều hành doanh nghiệp, bà chưa từng gặp tình huống nào quá khó về vấn đề mâu thuẫn quyền lợi. Chủ tịch FPT Telecom cho rằng, mục tiêu cổ đông đầu tư vào các công ty đều là công ty hoạt động minh bạch, lợi nhuận cao, đều đặn. Do đó, bà Chu Thanh Hà cũng đề cao tính minh bạch thông tin, còn với các trường hợp khó khăn, công ty có thể trực tiếp trao đổi với đại diện các cổ đông để hỏi ý kiến, tạo sự đồng thuận. Mấu chốt vấn đề là minh bạch, đồng thuận và cùng có lợi.

Theo ông Trần Túc Mã, mục tiêu và cách tiếp cận của cổ đông nhiều khi khác nhau. Ông Mã lấy ví dụ, có cổ đông mới họp Đại hội xong 2 tháng đã yêu cầu thay Hội đồng quản trị, hay có cổ đông yêu cầu ký hợp đồng với công ty nọ, công ty kia. Do đó, để đáp ứng được các quyền lợi, doanh nghiệp cần dựa trên các quy định chung về luật pháp, điều lệ công ty và Nghị quyết đại hội, trên cơ sở đó, tìm ra các giải pháp sao cho hài hòa lợi ích cổ đông. Ông Mã cho rằng, những việc nào có thể hỗ trợ cổ đông mà không ảnh hưởng đến các cổ đông khác thì doanh nghiệp nên hỗ trợ.

Theo Vinanet