|
Thuê trụ sở trong nửa thế kỷ
Thông tin trong BCTC hợp nhất năm 2015 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho hay, tính đến ngày 31/12/2015, tổng công ty đang đang có một hạng mục tài sản liên quan đến chi phí trả trước dài hạn là Trả trước tiền thuê văn phòng với giá trị 100,720 tỷ đồng (31/12/2014: 102,020 tỷ đồng) - phản ánh khoản phân bổ tiền thuê trụ sở của Tổng công ty tại tầng 23 và 24, tòa nhà Charmvit, số 117 phố Trần Duy Hưng, Hà Nội có thời hạn từ ngày 01 tháng 7 năm 2011 đến ngày 01 tháng 7 năm 2058.
Được biết, tiền thuê văn phòng trả trước này đang được bộ phận kế toán của SCIC phân bổ vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất theo phương pháp đường thẳng tương ứng với thời gian thuê.
Theo một nguồn tin, SCIC thuê toàn bộ tầng 23 và một nửa tầng 24 của Charmvit Plaza Tower, với tổng diện tích sử dụng là 2.874m2. Trong đó, riêng tầng 23 có diện tích thực sử dụng là 1.916m2.
Tuy nhiên, các điều khoản tăng giá, giảm giá, hoặc những biến động bất khả kháng liên quan đến nội dung hợp đồng lại không được tiết lộ.
Việc thuê văn phòng với thời hạn khủng, lên tới 47 năm, của SCIC, thoạt tiên sẽ khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, rằng tại sao họ lại phải đi trả tiền trước để thuê văn phòng với thời hạn lâu như vậy (?) Sao họ không đem cả trăm tỷ đồng tiền thuê ấy để “mua đứt bán đoán” một bất động sản nào đó mà làm văn phòng (?).
Theo tìm hiểu của VietTimes, việc thuê văn phòng với thời hạn gần nửa thế kỷ nêu trên của SCIC tại tòa nhà Charmvit thực chất cũng là một dạng mua – bán bất động sản, bởi, SCIC đã thực hiện trả tiền một lần cho đối tác ngay khi ký hợp đồng thuê, đồng thời, “mua sàn văn phòng cũng chỉ có mua năm 50 năm thôi, không có vĩnh viễn đâu” – nói như đại diện của một sàn bất động sản.
Cũng nên biết rằng, Charmvit Plaza Tower được xây dựng trên thửa đất mà chủ đầu tư của nó thực hiện thuê 50 năm với chính quyền.
Thu nhập ngoại hạng của nhân viên SCIC
Theo BCTC, quy mô nhân sự của SCIC và các công ty con tại ngày 31/12/2015 là 273 người, tăng 9 người so với cuối năm 2014. Tính ra, quy mô nhân sự trung bình của SCIC trong năm 2015 là 268,5 người.
Được biết, tổng chi phí cho nhân sự của SCIC trong năm 2015 là 120,989 tỷ đồng, bao gồm 71,667 tỷ đồng chi phí nhân viên quản lý và 49,322 tỷ đồng chi phí nhân viên trong hoạt động đầu tư và kinh doanh vốn.
Theo chuẩn mức kế toán Việt Nam, thì tài khoản chi phí nhân viên quản lý phản ánh các khoản phải trả cho cán bộ quản lý doanh nghiệp, như tiền lương, các khoản phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn của Ban Giám đốc, nhân viên quản lý ở các phòng, ban của doanh nghiệp.
Chi phí nhân viên bán hàng (tương tự chi phí nhân viên trong hoạt động đầu tư và kinh doanh vốn của SCIC) phản ánh các khoản phải trả cho nhân viên bán hàng, nhân viên đóng gói, vận chuyển, bảo quản sản phẩm, hàng hoá,. . . bao gồm tiền lương, tiền ăn giữa ca, tiền công và các khoản trích bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn,...
Vì BCTC của SCIC không công bố cụ thể tiểu khoản Chi lương, thưởng và phụ cấp cho nhân viên là bao nhiêu nên chưa thể xác định chính xác con số thu nhập trung bình của mỗi nhân sự trong SCIC. Tuy nhiên, có thể tính được giá trị chi phí bình quân mà SCIC đã chi cho mỗi nhân viên của tổng công ty này trong năm 2015.
Cụ thể, con số đó là 451 triệu đồng/người/năm, tương đương với 38 triệu đồng/người/tháng. Vì thông thường, giá trị Chi lương, thưởng và phụ cấp cho nhân viên thường chiếm phần lớn (>90%) trong khoản mục Chi phí cho nhân viên của mỗi doanh nghiệp nên có thể hiểu thu nhập của nhân viên trong SCIC cũng là con số rất “khủng”.
Để hiểu hơn điều này đã có thể so sánh với Chi phí cho nhân viên giữa SCIC và Vietcombank – nhà băng vẫn được biết đến là doanh nghiệp có chế độ đãi ngộ hàng đầu trong khối các doanh nghiệp tài chính Việt Nam (song áp lực công việc cho mỗi nhân viên ở đây cũng là rất căng thẳng).
Trong năm 2015, tổng chi phí cho nhân viên của Vietcombank là 4.284 tỷ đồng, trong đó chi lương và phụ cấp là 3.980 tỷ đồng; quy mô nhân sự bình quân của ngân hàng trong năm là 14.437 người. Tương ứng, giá trị chi phí bình quân mà Vietcombank đã chi cho mỗi nhân viên của mình trong năm 2015 là 297 triệu đồng/người/năm (24,7 triệu đồng/người/tháng) – tức là chỉ bằng… 65% mức bình quân ở SCIC.
Tuy nhiên cũng cần phải nhận thức rõ rằng, con số thu nhập “ngoại hạng” vừa nêu ở SCIC là kết quả của một phép toán bình quân gia quyền, “cào bằng” giữa thu nhập lãnh đạo và nhân viên.
Nên nhớ, SCIC là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và hầu hết các lãnh đạo của tổng công ty cũng là các công chức, viên chức nhà nước.
Sẽ chẳng có gì đáng bàn về thu nhập của các nhân sự SCIC, thậm chí, cao hơn nữa nếu nó xứng đáng với đóng góp của mỗi cá nhân vào sự phát triển của công ty.
Nhưng SCIC lâu nay vẫn được xem là một tổ chức “ngồi mát” khi mà lợi nhuận khủng từ các “con gà đẻ trứng vàng” mà SCIC may mắn được chỉ đạo tiếp quản phần vốn góp cứ đều đặn chảy về tổng công ty. Câu chuyện về Vinamilk, Traphaco hay Dược Hậu Giang đã từng được nhắc lại nhiều lần…
Chia sẻ với VietTimes mới đây, lãnh đạo một doanh nghiệp mà SCIC là một cổ đông lớn từng tâm sự về mức độ đóng góp của các nhân sự SCIC trong công ty: “Họ có cử một người tham gia hội đồng quản trị, một năm tham gia họp ĐHĐCĐ một lần và dự một, hai buổi họp hội đồng quản trị tại trụ sở công ty. Mà công ty lại hoạt động trong lĩnh vực đặc thù nên họ cũng chẳng có mấy đóng góp cho chiến lược phát triển của DN, ngược lại, nhiều khi họ lại còn làm khó ban điều hành”.
Theo tìm hiểu của VietTimes, nhân sự SCIC mà vị lãnh đạo DN nêu trên vừa nhắc đến còn kiêm nhiệm đại diện vốn tại nhiều DN khác.
Không chỉ có thu nhập "ngoại hạng", mà bản thân việc sử dụng nhân sự tại SCIC lại cũng đem đến những băn khoăn. Chẳng hạn, ngày 1/5/2016, Bộ Tài chính giao ông Hoàng Nguyên Học phụ trách Ban tổng giám đốc của SCIC thay thế ông Lại Văn Đạo.
Ông Hoàng Nguyên Học sinh ngày 25/8/1057, tức là ông Học chỉ “ngồi” phụ trách ban Tổng giám đốc được khoảng một năm nữa là đến tuổi nghỉ hưu.
Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã ra quyết định kéo dài tuổi nghỉ hưu của ông Lại Văn Đạo (sinh ngày 10/4/1956) để tiếp tục nắm giữ vị trí Tổng giám đốc SCIC.
Ở một khía cạnh nhất định, việc bổ nhiệm nhân sự của SCIC đang cho thấy Bộ Tài chính thiếu hẳn cán bộ “ngang tầm” với ông Học, ông Đạo để quản lý “cậu ấm” SCIC – doanh nghiệp vẫn được cho chỉ quen ngồi hưởng cổ tức, thay vì đóng góp cho sự phát triển của những doanh nghiệp mà tổng công ty này được giao quản lý vốn.
Ninh Giang – Hoàng Nguyên