Sau Ukraine, khí cầu liên tiếp xuất hiện ở Moldova và Romania

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mấy ngày gần đây, Ukraine liên tục nói Nga đang thả các "khí cầu quân sự" Ukraine nhằm làm suy yếu lực lượng phòng không của nước này, nhưng Nga không lên tiếng, nay lại có thêm Moldova, Romania có khí cầu lạ.
Tên lửa phòng không Ukraine bắn các vật thể bay được cho là của Nga (Ảnh: QQ).
Tên lửa phòng không Ukraine bắn các vật thể bay được cho là của Nga (Ảnh: QQ).

Hôm thứ Ba (14/2), ông Yuri Inat, người phát ngôn lực lượng không quân Ukraine nói, các quả khí cầu của Nga mang theo thiết bị phản xạ sóng vô tuyến đã được phát hiện ở vùng trời Ukraine. Ông Inat lưu ý rằng các quả khí cầu có nhiều kích cỡ khác nhau, đường kính khoảng 1 mét hoặc 1,5 mét, nhưng đủ để mang các tấm phản xạ. "Các radar phòng không của Ukraine đã phát hiện thấy các mục tiêu trên không này di chuyển ở tốc độ thấp trong các luồng không khí trên cao. Các máy bay chiến đấu đã thực hiện nhiệm vụ trên bầu trời Ukraine, tình hình đã được kiểm soát", ông nói.

Inat cho biết những quả khí cầu có thể đã được sử dụng làm "mục tiêu giả" để gây nhầm lẫn và đánh lạc hướng lực lượng phòng không của Ukraine, một trong những vật thể bay này đã bị hệ thống phòng không Ukraine bắn hạ ở khu vực Dnepropetrovsk vào ngày 12/2.

Trước đó, Bộ Tư lệnh Không quân Ukraine cũng nói, ngày 12/2, một khí cụ bay trinh sát trên không và một số "khí cầu do thám" mang theo tấm phản xạ đã được phát hiện trên khu vực Dnepropetrovsk. Ban đầu, quả khí cầu bị bắn hạ bị nhầm là một máy bay không người lái.

Ukraine nói khí cầu Nga mang tấm kim loại phản xạ sóng vô tuyến được thả nhằm gây nhầm lẫn cho radar Ukraine (Ảnh: HQXW).

Ukraine nói khí cầu Nga mang tấm kim loại phản xạ sóng vô tuyến được thả nhằm gây nhầm lẫn cho radar Ukraine (Ảnh: HQXW).

Không quân Ukraine cho biết, những khinh khí cầu này được trang bị tấm phản xạ sẽ gây nhầm lẫn cho hệ thống radar của quân đội Ukraine và "làm cho lực lượng phòng không Ukraine lầm tưởng rằng những khí cầu này là máy bay không người lái tấn công". Nếu quân đội Ukraine sử dụng những quả tên lửa đắt đỏ để bắn hạ những quả khí cầu rẻ tiền này sẽ tạo ra sự chênh lệch lớn về chi phí. Hiện tại, Ukraine có thể sẽ nhanh chóng sử dụng hết hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến do NATO cung cấp, điều này rõ ràng sẽ mang đến cho quân đội Ukraine những rắc rối to lớn.

Cũng trong ngày 14/2, nước láng giềng Moldova của Ukraine đã phải đóng cửa không phận trong thời gian ngắn vì "lý do an ninh". Sau đó, Cục Hàng không Dân dụng Moldova tuyên bố rằng họ quyết định đóng cửa không phận của đất nước sau khi nhận được báo cáo từ Bộ Quốc phòng rằng một vật thể nhỏ không xác định đã được phát hiện ở vùng trời phía bắc nước này. Vật thể được mô tả là trông giống như một quả khí cầu khí tượng và một đoạn video chưa được xác nhận lan truyền trên mạng cho thấy một vật thể giống như tấm kim loại có độ phản chiếu cao phát sáng lấp lánh dưới ánh sáng mặt trời. Điều này dẫn đến sự gián đoạn giao thông hàng không trên diện rộng và sự hoảng loạn ngắn trên toàn quốc. Chính phủ Moldova phải tuyên bố tạm thời đóng cửa vùng trời. Hàng chục chuyến bay đã bị hủy hoặc đổi lịch ở Moldova vào ngày hôm đó. Một số chuyến bay đã được chuyển hướng đến Romania.

Cục Hàng không Dân dụng Moldova cho biết trong một tuyên bố rằng không phận Moldovan đã bị đóng cửa "do điều kiện thời tiết và không thể quan sát, xác định vật thể cũng như đường bay của nó. Sau khi xác định rằng không có mối đe dọa nào, không phận được mở lại sau 1 giờ 22 phút."

Sau đó, Romania, một quốc gia láng giềng của Moldova, cũng thông báo một vật thể giống như một khí cầu khí tượng nhỏ đã được phát hiện trong không phận của họ vào ngày 14/2 và hai máy bay chiến đấu MiG-21 đã được lệnh xuất kích để điều tra, nhưng các phi công "không tìm thấy dấu vết của vật thể này".

Hãng thông tấn AP đưa tin, vào trưa ngày thứ Ba (14/2), Romania và Moldova đã phát hiện ra UFO hình quả khí cầu trong không phận của họ. Cả hai quốc gia Đông Âu này đều có chung đường biên giới với Ukraine và đều bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến ở Ukraine.

Theo bản tin do Bộ Quốc phòng Romania công bố, radar của nước này đã phát hiện một vật thể bay không xác định ở vùng trời ở độ cao khoảng 11.000m. Sau đó, nước này cho hai máy bay chiến đấu MiG-21 cất cánh tìm kiếm UFO xuất hiện trên radar.

Bộ Quốc phòng Romania cho biết trong một tuyên bố: "Các phi công của hai máy bay chiến đấu không thể xác nhận sự hiện diện của mục tiêu trên không bằng quan sát trực tiếp hoặc bằng cách sử dụng radar trên máy bay. Hai máy bay chiến đấu đã bay trên không khoảng 30 phút trước khi quay trở lại căn cứ".

Chiến đấu cơ MiG-21 của Romania cất cánh tìm kiếm mục tiêu xuất hiện trên màn hình radar nhưng không tìm thấy (Ảnh: Getty).

Chiến đấu cơ MiG-21 của Romania cất cánh tìm kiếm mục tiêu xuất hiện trên màn hình radar nhưng không tìm thấy (Ảnh: Getty).

Bộ trưởng Ngoại giao Romania Bogdan Aurescu nói với các phóng viên tại trụ sở Liên Hợp Quốc rằng mặc dù radar phát hiện ra UFO nhưng các máy bay chiến đấu của Romania không tìm thấy bất kỳ mục tiêu khả nghi nào, "vì vậy không phận Romania không bị đe dọa."

Không rõ liệu có mối liên hệ nào giữa các UFO do Romania và Moldova báo cáo hay không, vì cả hai quốc gia đều không báo cáo chúng đến từ đâu.

Vào ngày 4/2 năm nay, quân đội Mỹ đã bắn hạ một khinh khí cầu của Trung Quốc ở vùng biển ven biển Nam Carolina. Mỹ cho rằng khinh khí cầu này là khinh khí cầu do thám được sử dụng để phát hiện và thu thập thông tin tình báo, trong khi Trung Quốc khẳng định đây là khí cầu khí tượng bị mất kiểm soát.

Romania đã gia nhập NATO năm 2004 và Liên minh châu Âu (EU) năm 2007. Moldova hiện theo đuổi lập trường trung lập về mặt quân sự, do đó không phải là thành viên tiềm năng của NATO. Nhưng Moldova đang tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với phương Tây. Moldova và Ukraine đã nhận được tư cách quốc gia ứng cử viên EU cùng một ngày vào tháng 6 năm ngoái.

Hôm thứ Hai, Tổng thống Moldova Maia Sandu đã cáo buộc Nga âm mưu lật đổ chính phủ của bà và khiến Moldova xa rời lộ trình gia nhập Liên minh châu Âu.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm thứ Ba (14/2) đã đáp trả rằng các cáo buộc của bà Sandu là "hoàn toàn vô căn cứ, không có bất kỳ bằng chứng nào."