|
Một dự án của Tập đoàn Tân Hoàng Minh tại đường Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy, Hà Nội. |
Tách dự án, giữ nguyên quỹ đất đối ứng
Tại Hội nghị “Hà Nội 2018- Hợp tác Đầu tư và Phát triển” vừa diễn ra cuối tuần qua, lãnh đạo Thành phố Hà Nội đã trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án.
Đáng chú ý trong đó có Dự án xây dựng tuyến đường từ đê sông Hồng đến khu đô thị mới C2 - Gamuda Gardens.
Dự án này được UBND Thành phố Hà Nội giao cho Công ty TNHH TM và DV KS Tân Hoàng Minh (Tân Hoàng Minh) thực hiện với tổng mức đầu tư 989 tỷ đồng.
Được biết, tuyến đường từ đê sông Hồng đến khu đô thị mới C2 - Gamuda Gardens có chiều dài 2,6km, rộng 40m, đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Quỹ đất đối ứng nhà đầu tư được UBND Thành phố Hà Nội dự kiến giao là khu đất ký hiệu C9-CN3 có quy mô vào khoảng 20ha, trên địa phận quận Hoàng Mai.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của VietTimes dự án này đã được rục rịch triển khai cách đây gần 10 năm. Ngay từ năm 2010, thành phố Hà Nội đã thông qua hồ sơ đề xuất và chỉ định nhà đầu tư Tân Hoàng Minh đàm phán hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 03 tuyến đường trên tại quận Hoàng Mai, theo hình thức hợp đồng BT, với tổng chiều dài các tuyến này là 5,130km.
Trong đó, tuyến 1 dài 0,750km, rộng 30m; tuyến 2 dài 1,780km, rộng 40m và tuyến 3 là tuyến từ đê sông Hồng đến khu đất 73ha (ký hiệu C12) dài 2,6km, rộng 40m. Lưu ý là hiện nay Khu đô thị Gamuda Gardens cũng có diện tích khoảng 73ha.
Thời điểm đó UBND Thành phố Hà Nội cũng dự kiến dành khoảng 20ha đất tại khu đất ký hiệu C9-CN3 quận Hoàng Mai làm quỹ đất đối ứng cho nhà đầu tư Tân Hoàng Minh khai thác hoàn vốn đầu tư 03 con đường BT.
Dự án xây dựng 03 tuyến đường giao thông trên địa bàn quận Hoàng Mai này đã được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt Đề xuất dự án tại Quyết định số 3814/QĐ-UBND ngày 04/8/2010.
Tuy nhiên, đến tháng 12/2013, sau khi nghe báo cáo của các sở, ngành, quận, huyện về việc rà soát các dự án đầu tư theo hình thức BT trên địa bàn Thành phố, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu dự án xây dựng 03 tuyến đường giao thông trên địa bàn quận Hoàng Mai không thực hiện theo hình thức BT nữa, giao quỹ đất đối ứng lại cho cơ quan thẩm quyền rà soát, thực hiện các thủ tục, chuẩn bị điều kiện để đấu giá đất hoặc đấu thầu dự án theo quy định.
Tưởng chừng dự án tuyến đường từ đê sông Hồng đến khu đất 73ha cùng chung số phận với các tuyến đường còn lại rơi vào cảnh bế tắc nhưng có lẽ một số đề xuất trực tiếp đã giúp dự án này “thoát hiểm”.
Ngày 28/7/2015 Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh đã có Văn bản số 101/HM/2015/CV-THM đề nghị điều chỉnh quy mô và tiếp tục thực hiện Dự án xây dựng các tuyến đường giao thông tại quận Hoàng Mai theo hình thức hợp đồng BT đã được UBND TP Hà Nội thông qua đề xuất dự án tại Quyết định số 3814/QĐ-UBND ngày 04/8/2010.
Và ngày 11/12/2015 Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cũng có Báo cáo số 1264/BC-KH&ĐT đề nghị chủ trương tiếp tục thực hiện và điều chỉnh đề xuất dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ sông Hồng đến khu đô thị mới C2-Gamuda Gardens, quận Hoàng Mai theo hình thức BT.
Sau khi xét các đề nghị của Công ty Tân Hoàng Minh và Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngay ngày 17/12/2015 UBND Thành phố Hà Nội đã chính thức chấp thuận chủ trương tiếp tục thực hiện và điều chỉnh đề xuất Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ đê sông Hồng đến khu đô thị mới C2-Gamuda Gardens, quận Hoàng Mai theo hình thức hợp đồng BT.
Theo đó điều chỉnh Điều 1 Quyết định 3814/QĐ-UBND ngày 04/2010 tên dự án thành dự án “Đầu tư xây dựng tuyến đường từ đê sông Hồng đến khu đô thị mới C2-Gamuda Gardens, quận Hoàng Mai”.
Quy mô dự án dự kiến chỉ còn 01 tuyến đường từ đê sông Hồng đến khu đô thị mới C2-Gamuda Gardens dài 2,6km, mặt cắt ngang mặt đường B=40m. Khái toán tổng vốn đầu tư tạm tính thời điểm đó là 746 tỷ đồng. Thời gian dự kiến thực hiện từ năm 2016-2019.
Đặc biệt, nhờ thực hiện dự án BT này nhà đầu tư Tân Hoàng Minh vẫn được tạo điều kiện khai thác quỹ đất tại khu đất ký hiệu C9-CN3 trên địa bàn quận Hoàng Mai để thu hồi vốn đầu tư công trình BT như thời điểm trước đây dự kiến giao.
Như vậy, sau khi bị "dọa" không được thực hiện dự án theo hình thức BT (năm 2013), đến nay Tân Hoàng Minh vẫn tiếp tục được triển khai dự án theo hình thức BT.
Không những thế, từ việc phải xây dựng 03 tuyến đường thuộc quận Hoàng Mai hiện tại được tách riêng chỉ thực hiện 01 tuyến đường, trong khi quỹ đất đối ứng thì.. không đổi.
|
Rất nhiều dự án giao thông hiện đang chuẩn bị triển khai tại khu vực quận Hoàng Mai.
|
Vì sao được tái khởi động?
Trả lời VietTimes, đại diện truyền thông của Tân Hoàng Minh cho rằng, không biết thông tin dự án xây dựng đoạn đường từ đê sông Hồng đến khu đô thị mới C2 - Gamuda Gardens trước đây bị nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu dừng thực hiện theo hình thức BT, đồng thời khẳng định không có bất cứ phát ngôn gì liên quan đến Thành phố hay chủ trương dự án.
Về dự án tuyến đường BT, vị này thông tin, Tân Hoàng Minh đang xin phê duyệt Quy hoạch chi tiết. Tuy nhiên Tân Hoàng Minh sẽ ưu tiên triển khai xây dựng tuyến đường BT, đảm bảo thực hiện vấn đề an sinh xã hội, góp phần thay đổi và nâng cao cơ sở hạ tầng phục vụ Thành phố.
Được biết, khu đất đối ứng ký hiệu C9-CN3 có quy mô vào khoảng 20ha nằm sát cạnh khu đô thị Gamuda Garden của Gamuda Land. Trước đó, Tân Hoàng Minh cũng đã được giao lập quy hoạch, và đã được UBND TP Hà Nội duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết 1/500 từ năm 2011.
Khu đất này được quy hoạch làm dự án Khu chức năng Đô thị Tân Hoàng Mai thuộc các phường Vĩnh Hưng, Lĩnh Nam, Trần Phú, Yên Sở, quận Hoàng Mai. Dự kiến sẽ xây trung tâm thương mại, văn phòng làm việc, công cộng, dịch vụ thể thao văn hóa, đơn vị nhà ở cao cấp đồng bộ đất nhà trẻ, cây xanh, vườn hoa, đỗ xe…
Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) thành lập ngày 16/6/1993 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động kinh doanh trên nhiều lĩnh vực như: bất động sản, sản xuất & xuất khẩu mây tre đan, vận tải hành khách bằng taxi, kinh doanh khách sạn, kinh doanh phát triển nhà, xây dựng,…
Bất động sản là lĩnh vực kinh doanh chính và là thế mạnh của Tân Hoàng Minh. Hiện nay Tập đoàn này đang sở hữu hàng loạt dự án siêu sang ở vị trí đắc địa trung trong trung tâm Thành phố như: D’. Le Pont D’or – Hoàng Cầu, D’. Palais de Louis – Nguyễn Văn Huyên, D’. San Raffles – Hai Bà Trưng, Hàng Bài, D’. Le Roi Soleil – Quảng An, D’.El Dorado- Phú Thượng…
Tuyến đường từ đê sông Hồng đến khu đô thị mới C2 - Gamuda Gardens quận Hoàng chỉ là một trong nhiều dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT mà Thành phố Hà Nội đã và dự kiến triển khai trong thời gian tới.
Tuy nhiên, khi các dự án BT tại Hà Nội còn rất nhiều tồn tại, sai phạm bị phát hiện qua thanh tra, kiểm toán, việc tiếp tục triển khai nhiều dự án về hạ tầng giao thông theo hình thức BT với quỹ đất đối ứng hàng trăm ha cho các nhà đầu tư đã đặt Hà Nội trước áp lực phải có cơ chế giám sát đủ chặt, để tránh các sai phạm tiếp tục xảy ra.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, 5 dự án đầu tư theo hình thức BT (trong đó có dự án xây dựng tuyến đường từ đê sông Hồng đến khu đô thị mới C2 - Gamuda Gardens) được UBND Hà Nội giao cho 5 nhà đầu tư thực hiện tại Hội nghị “Hà Nội 2018 – Hợp tác đầu tư và phát triển" diễn ra ngày 17/6 vừa qua là các dự án đã được nghiên cứu từ năm 2009 đến 2015, được UBND TP Hà Nội báo cáo và được Thủ tướng đồng ý chủ trương thực hiện theo hình thức BT và cho phép chỉ định nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng BT. |