Sau nhiệm kỳ chuyển đổi số, sẽ tiến tới Quốc hội không giấy tờ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Quốc hội khóa XIV đã  để lại dấu ấn đáng ghi nhận  trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đầy khó khăn, lần đầu tiên Quốc hội họp chia thành hai đợt, họp trực tuyến và trực tiếp. 
Các đại biểu có ý kiến về Quốc hội điện tử (Ảnh: Hoà Bình ghép)
Các đại biểu có ý kiến về Quốc hội điện tử (Ảnh: Hoà Bình ghép)

Hôm nay, ngày 8/4 là ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV.

Nhìn lại nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao nhiệm kỳ XIV, Quốc hội đã có những bước tiến ấn tượng trong chuyển đổi số. “Điều này cần phải được phát huy hiệu quả hơn ở nhiệm kỳ khóa XV” - Tiến sĩ Kinh tế, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh An Giang, Ủy viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang phát biểu.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết cho rằng chuyển đổi số chính là dấu ấn đáng ghi nhận: “Lần đầu tiên trong lịch sử của Quốc hội đã ứng dụng công nghệ thông tin để họp trực tuyến và cung cấp tài liệu điện tử đến từng đại biểu Quốc hội”.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang

Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, có chung nhận định cho rằng nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua đã có sự chuyển mình mạnh mẽ về ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động của Quốc hội. Quốc hội đã tổ chức triển khai họp trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát, vừa đảm bảo phòng, chống dịch nhưng vẫn duy trì được hoạt động và chất lượng của các phiên họp, đồng thời phù hợp với xu hướng tham gia dòng chảy của cuộc cách mạng 4.0.

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải, đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng đánh giá, việc gửi tài liệu trực tuyến đã giúp cho các đại biểu Quốc hội đi họp chỉ cần một thiết bị thông minh là có thể tiếp cận nhanh nhạy, toàn diện hơn để khi bàn luận các vấn đề chính sách có cơ sở phong phú và đầy đủ hơn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga- Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga- Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Thêm nữa, các đại biểu đánh giá việc triển khai lấy ý kiến góp ý trực tuyến có thể trở thành một kênh thông tin quan trọng để nắm bắt dư luận xã hội đối với các dự thảo chính sách. Việc cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ các đại biểu Quốc hội thông qua máy tính bảng cá nhân, thay vì hình thức tài liệu giấy truyền thống như trước đây cũng giúp tiết kiệm thời gian và giảm tải lượng lớn các tài liệu in ấn, hoàn toàn có thể tiến tới một nhiệm kỳ Quốc hội không giấy tờ.

Các đại biểu cũng góp ý, việc lấy ý kiến nhân dân bằng hình thức trực tuyến vẫn còn chưa thực sự đạt hiệu quả cao. Lượt góp ý tương tác trên trang dự thảo online của Quốc hội và Cổng Thông tin của Chính phủ vẫn còn thấp. Tỷ lệ người dân biết đến hình thức góp ý trực tuyến và đường link cổng thông tin góp ý không cao, chủ yếu chỉ tập trung lực lượng cán bộ và công chức.

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải, đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng (Ảnh: Thông tin Chính phủ)
Đại biểu Nghiêm Vũ Khải, đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng (Ảnh: Thông tin Chính phủ)

Các đại biểu tin tưởng cho rằng khi tiến hành Quốc hội số thì các đại biểu Quốc hội sẽ liên hệ, trao đổi trực tiếp được với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương và truy cập được trực tiếp các thông tin, cơ sở dữ liệu để trả lời trực tiếp các ý kiến, kiến nghị của cử tri thông qua môi trường mạng, sẽ hoàn thiện, nâng cao được chức năng, vị thế của Quốc hội.