Sau lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế, các bệnh viện huy động lực lượng chi viện cho Bắc Giang

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trước tình hình dịch COVID-19 phức tạp ở Bắc Giang, hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế, các bệnh viện đã huy động lực lượng chi viện cho tỉnh chống dịch.
Đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch viêm đường hô hấp ở Bệnh viện Chợ Rẫy chi viện cho Bắc Giang (Ảnh - BYT)
Đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch viêm đường hô hấp ở Bệnh viện Chợ Rẫy chi viện cho Bắc Giang (Ảnh - BYT)

Sau khi Bắc Giang phát hiện hơn 300 ca mắc COVID-19 mới đều là công nhân ở khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã họp khẩn với Bắc Giang vào chiều qua (ngày 25/5) để đưa ra giải pháp phòng, chống dịch triệt để.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: “Toàn tỉnh Bắc Giang phải bắt tay vào việc xây dựng kịch bản cho 3.000 người nhiễm, chuẩn bị cho những tình huống xấu hơn để đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Bộ Y tế kêu gọi cả nước, các tỉnh, thành phố, cả nước hướng về Bắc Giang, Bắc Ninh để dập dịch thành công”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Ảnh - BYT)

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Ảnh - BYT)

Hiện, Bắc Giang đang đã dừng sản xuất 4 khu công nghiệp, cách ly hơn 60.000 công nhân của 57 tỉnh, thành phố và nhiều người dân khác cũng đang phải sinh sống trong vùng cách ly, phong toả.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế, ngay trong sáng nay, ngày 26/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã đề nghị Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy điều động khẩn cấp 2 Đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch viêm đường hô hấp để hỗ trợ chuyên môn tại tỉnh Bắc Giang gồm: 6 bác sỹ và 5 điều dưỡng - kỹ thuật viên sinh hóa, huyết học.

Bệnh viện Chợ Rẫy huy động lực lượng chi viện cho Bắc Giang chống COVID-19 (Ảnh - BYT)

Bệnh viện Chợ Rẫy huy động lực lượng chi viện cho Bắc Giang chống COVID-19 (Ảnh - BYT)

Sau khi nhận được chỉ đạo của Bộ Y tế, Đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch viêm đường hô hấp Bệnh viện Chợ Rẫy đã lên đường chi viện cho Bắc Giang.

Đội cơ động BS CKII. Trần Thanh Linh – Phó khoa Hồi sức Cấp cứu - làm Trường Đoàn cùng 12 thành viên ở nhiều chuyên khoa lâm sàng và cận lâm sàng của Bệnh viện.

TS. BS CKII. Nguyễn Tri Thức – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (Ảnh - BYT)

TS. BS CKII. Nguyễn Tri Thức – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (Ảnh - BYT)

TS. BS CKII. Nguyễn Tri Thức – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy – cho biết: “Do tình hình dịch COVID-19 ở Bắc Giang hết sức phức tạp, khó lường nên Bệnh viện sẵn sàng lên đường để hỗ trợ tỉnh. Đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch COVID-19 của Bệnh viện Chợ Rẫy gồm các bác sĩ đã có kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở Đà Nẵng, thiết lập hệ thống chăm sóc đặc biệt, chạy ECMO (tim phổi nhân tạo) cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng”.

Nhằm hỗ trợ tối đa giúp Bắc Giang khống chế dịch COVID-19, cũng như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai đã được Bộ Y tế phân công thành lập Bệnh viện dã chiến với qui mô dự kiến 600 giường tại Nhà thi đấu tỉnh Bắc Giang.

TS.BS. Đỗ Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết: Sau khi nhận nhiệm vụ lên đường, các bác sĩ đã khảo sát, góp ý và hoàn thiện qui trình xây dựng Bệnh viện dã chiến; hỗ trợ tỉnh xây dựng Bệnh viện dã chiến và đi vào hoạt động, tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 của Bắc Giang.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra 58 giường điều trị tích cực ở Bệnh viện Phổi Bắc Giang (Ảnh - BYT)

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra 58 giường điều trị tích cực ở Bệnh viện Phổi Bắc Giang (Ảnh - BYT)

Bệnh viện Bạch Mai đã và đang hỗ trợ Bắc Giang xây dựng đơn vị ICU (đơn vị hồi sức tích cực) với qui mô 58 giường tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang. Bệnh viện Bạch Mai sẽ hỗ trợ về thiết kế, thiết bị (một phần của Bạch Mai và 1 phần của Bộ Y tế). Sau khi thiết lập được hệ thống oxy và khí nén trung tâm, toàn bộ bệnh nhân nặng sẽ được điều trị ngay tại Bắc Giang, không phải chuyển lên tuyến trên.

Ngoài các bệnh viện trung ương hỗ trợ Bắc Giang phòng, chống dịch thì nhiều tổ chức, cá nhân đã chung tay giúp đỡ Bắc Giang, Bắc Ninh chống dịch.

Cụ thể: Gia đình Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường ủng hộ Bắc Giang 1 tấn gạo; Tập đoàn T&T hỗ trợ 2,5 tỉ đồng và 500 tấn gạo; Tập đoàn Tân Long Group hỗ trợ 2,5 tỉ đồng và 500 tấn gạo; Công ty Cổ phần Chuỗi thực phẩm TH hỗ trợ 1.000 thùng sữa và nước trái cây; Công ty Cổ phần sữa Acecook Việt Nam hỗ trợ 500 thùng mỳ tôm; Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan hỗ trợ 500 thùng mỳ tôm và 250 thùng nước yến; Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) hỗ trợ 50 thùng sữa bột; Công đoàn ngành y tế Việt Nam tặng 500 thẻ bảo hiểm an toàn cho cán bộ y tế trị giá 25 tỉ đồng, 100 thùng sữa và 18 thùng khẩu trang.

Nhân viên y tế làm công tác phòng, chống COVID-19 ở Bắc Giang (Ảnh - BYT)

Nhân viên y tế làm công tác phòng, chống COVID-19 ở Bắc Giang (Ảnh - BYT)

Tổng Công ty Dược Việt Nam tặng 100 triệu đồng và 9 thùng thuốc; Công ty Cổ phần phát triển Quốc tế Việt -Úc tặng 5 thùng Saffron Collagen; Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS – Bộ Y tế và Công đoàn Tập đoàn Bảo Việt 18 thùng khẩu trang N95 & N92; Câu lạc bộ Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Câu lạc bộ Trưởng phòng Công tác xã hội các cơ sở y tế hỗ trợ 2,5 tấn gạo; Công đoàn Cơ quan Bộ Y tế hỗ trợ 2,5 tấn gạo.

Công ty Cổ phần Sách Thái Hà (Thái Hà Books) - nơi Chủ tịch Nguyễn Mạnh Hùng là người đã tiên phong sáng lập ra cây ATM gạo tại Hà Nội từ đợt dịch năm 2020 để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hỗ trợ 5 tấn gạo mỗi tỉnh.