Bộ trưởng Bộ Y tế: Dịch ở Bắc Giang sẽ tiếp tục phức tạp, chuẩn bị tình huống số ca bệnh tăng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mặc dù tỉnh Bắc Giang phát hiện hơn 300 công nhân mắc COVID-19, nhưng các công nhân này đều nằm trong khu vực phong toả của nhà máy, khu công nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Ảnh: BYT)
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Ảnh: BYT)

Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đưa ra trong cuộc họp khẩn của Bộ Y tế với Bắc Giang về công tác phòng, chống dịch COVID-19, sau khi tỉnh này phát hiện hơn 300 công nhân mắc COVID-19, diễn ra vào chiều nay, ngày 25/5.

Mầm bệnh phát tán rất nhanh

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định: Tình hình dịch COVID-19 ở Bắc Ninh và Bắc giang đang rất nóng, nhất là khi Bắc Giang có hơn 300 ca mắc mới đều là công nhân làm việc ở nhà máy, khu công nghiệp. “Chủng virus SARS-CoV-2 lần này lây rất nhanh, rất rộng, có khả năng nhân lên, phát tán trên diện rộng. Trong phòng thí nghiệm nuôi cấy, đến ngày thứ 2 viurs vẫn có thể phát tán. Vì thế, mầm bệnh phát tán rất nhanh. Điển hình như ở Công ty Hosiden, nguy cơ dịch lây lan rất lớn, F1 từ F0 lên tới 55% do lây nhiễm từ trước và trong khu lưu trú” – ông Long nói.

Vì thế, Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định: Tình hình dịch ở Bắc Giang sẽ tiếp tục phức tạp, ghi nhận nhiều ca mắc mới do biến chủng lây lan nhanh. Tuy nhiên, tất cả những công nhân mắc COVID-19 mới phát hiện ở Bắc Giang đã nằm trong khu vực phong toả, nhà máy. Nguy cơ lây nhiễm cộng đồng là có, nhưng chưa lớn. Vì thế, tỉnh phải ngăn chặn triệt để dịch COVID-19 trong khu công nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu tỉnh Bắc Giang phải thành lập các tiểu ban điều trị, xét nghiệm,… để chuẩn bị tinh thần cho tình huống số ca bệnh sẽ tăng lên, chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong thới gian tới. “Điểm ưu tiên nhất hiện nay là làm thế nào là dập cho bằng được ổ dịch COVID-19 ở Bắc Giang. Nếu Bắc Giang không dập được dịch thì COVID-19 sẽ lây lan sang những tỉnh, thành phố khác” – ông Long khẳng định.

Chính vì thế, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Bộ phận thường trực của Bộ Y tế ở Bắc Giang phải đánh giá lại nguy cơ lây nhiễm ở tất các các huyện của Bắc Giang. Nếu khu vực nào dịch diễn biến phức tạp thì tỉnh phải chủ động quyết định giãn cách xã hội ở một số huyện, địa bàn để phòng dịch. Với những trường hợp có ổ dịch ở cộng đồng phải ngăn chặn, khoanh vùng, cách ly dập dịch, truy vết triệt để không để sót F1.

Với những khu vực có nhiều công nhân như Núi Hiểu, Trung Đồng,… tỉnh phải đóng băng toàn bộ, cách ly tập trung, mở rộng sang những khu vực khác để phát hiện những trường hợp có nguy cơ. Việc cách ly tập trung phải thực hiện chặt chẽ, người nào ở nhà người đấy, có kiểm tra, giám sát. Nếu ra khỏi khu vực cách ly phải xử lý nghiêm vi phạm. Phải coi cả 1 vùng là 1 điểm cách ly tập trung.

Đặc biệt, tỉnh phải tăng cường giám sát, sàng lọc, xét nghiệm 3 ngày 1 lần, làm nhanh, làm hiệu quả, tránh tình trạng quá tải xét nghiệm. Tổ COVID-19 ở cộng đồng phải giám sát, tổ chức lại, tăng cường đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng.

Cuộc họp khẩn của Bộ Y tế với Bắc Giang về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Cuộc họp khẩn của Bộ Y tế với Bắc Giang về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Thay đổi phương thức xét nghiệm

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, không chỉ những khu công nghiệp có COVID-19 phải sàng lọc mà các khu cộng nghiệp khác cũng phải giám sát chặt chẽ. Đợt dịch COVID-19 lần này không như lần trước. Nếu như đợt dịch trước lây theo chuỗi thì lần này dịch vừa lây theo chuỗi, vừa phát tán trong không khí ở những không gian hẹp. Vì thế, các khu công nghiệp tập trung đông công nhân lây nhiễm cao. Những trường hợp nào thuộc diện F1 phải đưa đi ngay, phải từng bước "làm sạch" công nhân. Nếu không cách ly tập trung, "làm sạch" đối tượng nghi ngờ bằng xét nghiệm thì không thể dừng chuỗi lây nhiễm lại được. Ngay khi phát hiện F0, F1, tỉnh phải đưa đi cách ly tập trung ngay.

Về việc xét nghiệm, các đơn vị phải thay đổi phương thức. Cụ thể: Các tỉnh phải thay thế xét nghiệm Realtime-PCR bằng xét nghiệm kháng nguyên nhanh. Hiện, toàn tỉnh Bắc Giang có khoảng 50.000 người có yếu tố nguy cơ cao nên phải xét nghiệm tất cả trường hợp nghi ngờ 3 ngày 1 lần cho đến khi có kết quả âm tính.

“Việc xét nghiệm này không phải lấy mẫu mang về CDC hoặc về các huyện mà phải tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm, trả kết quả về ngay cho người dân để kịp thời cách ly phòng dịch” – ông Long nói.

Quan điểm của Bộ Y tế là Bộ sẽ hỗ trợ tối đa cho Bắc Giang, cao hơn so với đợt dịch trước ở Đà Nẵng. Các trường đại học Y đã chuẩn bị lực lượng để thay thế nguồn lực đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Nếu không thay thế lực lượng lấy mẫu xét nghiệm thì không thể sớm chặn dịch. Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là 2 đơn vị hồi sức rất tốt cho những bệnh nhân mắc bệnh nặng. Vì thế, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo 2 Bệnh viện hỗ trợ tối đa cho Bắc Giang.

Nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch ở Bắc Giang, ông Long đề nghị Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thành lập bệnh viện dã chiến, hỗ trợ trang thiết bị vật tư, máy móc cho Bắc Giang. “Hôm nay, toàn tỉnh phải bắt tay vào việc xây dựng kịch bản cho 3.000 người nhiễm, chuẩn bị cho những tình huống xấu hơn để đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Bộ Y tế kêu gọi toàn tỉnh, thành phố, cả nước hướng về Bắc Giang, Bắc Ninh để dập dịch thành công” – Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Đáng chú ý, Bộ trưởng chỉ đạo Bắc Giang phải xét nghiệm ngay 50.000 trường hợp nghi ngờ để phát hiện sớm ca bệnh.

Thực hiện nghiêm giãn cách xã hội

Theo TS. Trần Như Dương – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - những khu tập trung đông công nhân đã được phong toả, "đóng cứng" để hạn chế lây nhiễm. Sở Y tế Bắc Giang đã thống nhất với tỉnh thực hiện nghiêm cách ly, giãn cách xã hội để phát hiện ngay những trường hợp sốt, ho trong cộng đồng. Toàn tỉnh sẽ phải xét nghiệm sốt, ho, khó thở cho người dân và tăng cường chế tài xử phạt những cá nhân, tổ chức không thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch.

“Hiện, có 13.000 người cách ly trong các cơ sở cách ly ở Bắc Giang. Tỉnh đã tập huấn cho tổ giám sát phòng, chống dịch COVID-19 để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm chéo. Do mật độ ở các khu cách ly tương đối đông nên các phương tiện phòng hộ, chống dịch đang thiếu hụt. Nếu không đảm bảo sẽ là nguy cơ đối với các cán bộ y tế” – ông Dương cho hay.

Thông tin về tình hình điều trị, trang thiết bị và cơ sở vật chất ở Bắc Giang, ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế - cho biết: Tỉnh đang có 4 bệnh nhân đang thở máy xâm nhập, trong đó có 1 bệnh nhân vừa thở máy, vừa lọc máu, 24 bệnh nhân thở oxy và một số bệnh nhân mắc bệnh nặng. Bắc Giang đã chuẩn bị 3.000 giường bệnh đảm bảo nhu cầu cho bệnh nhân. Bệnh viện dã chiến cũng chuẩn bị đủ giường bệnh, đảm bảo đủ nguồn nhân lực để hỗ trợ khi cần thiết.

Nhằm chủ động điều trị cho bệnh nhân, tỉnh đã họp và chỉ đạo phân loại bệnh viện dã chiến chỉ điều trị bệnh nhân mắc bệnh nhẹ. Còn bệnh nhân có bệnh nền và mắc bệnh nặng sẽ được điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Nhằm chống dịch hiệu quả, ông Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho rằng yếu tố cách ly phải đặt lên hàng đầu. Các bệnh viện phải theo dõi, tiên lượng những bệnh nhân mắc bệnh nặng. Kịch bản có 3.000 bệnh nhân mắc COVID-19 thì có khá nhiều bệnh nhân mắc bệnh nhẹ, 10% bệnh nhân diễn biến nặng, 5% rất nặng. Các đơn vị phải có chiến lược để điều trị hiệu quả cho bệnh nhân, tránh trường hợp bệnh nhân tử vong.

Về việc xét nghiệm trong các khu công nghiệp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thông tin: Bộ Y tế đã có hướng dẫn nhưng Bắc Giang phải có hướng dẫn riêng thế nào là trường hợp F1, xét nghiệm những gì. Thực tế, một số người F1 test nhanh âm tính nên về nhà nhưng lại không có hướng dẫn cách ly cụ thể khiến không ít người dân thắc mắc. Vì thế tôi đề nghị Bộ Y tế cần có bộ hướng dẫn việc xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cụ thể.