Chúng ta đều biết rằng Elon Musk có tham vọng mua lại Twitter rất lớn, đến nỗi ông đã đưa ra “lời đề nghị tốt nhất và cuối cùng” cho công ty, tuyên bố rằng ông có một Kế hoạch B nếu thất bại và gặp riêng với một số cổ đông lớn của Twitter để thuyết phục họ về giá thầu của mình.
Elon Musk ghị 54,20 USD/ cổ phiếu cho Twitter và vạch ra kế hoạch đảm bảo 46,5 tỷ USD để tài trợ cho thương vụ của mình. Cổ phiếu của Twitter đã tăng đột biến vào sáng thứ Hai (24/10) do các báo cáo rằng công ty có thể sắp đạt được thỏa thuận với tỉ phú Elon Musk.
Vậy tại sao người giàu nhất thế giới, người đã lãnh đạo công ty ô tô điện Tesla và công ty hàng không vũ trụ SpaceX, lại muốn mua một công ty truyền thông xã hội?
Dưới đây là những gì Elon Musk nói về những kế hoạch của mình khi mua lại Twitter.
Tại sao Elon Musk muốn mua Twitter?
Elon Musk cho biết, ông muốn những bài đăng của mình và của những người dùng khác có tính tự do và cởi mở hơn. Ông Elon Musk cho rằng các mạng xã hội như Twitter là nơi cần thiết để mội người có thể chia sẻ quan điểm của mình.
Trong một cuộc phỏng vấn với TED ngay sau khi công bố giá mua lại Twitter, Elon Musk đã chia sẻ về kế hoạch của mình.
"Tôi nghĩ điều quan trọng là phải có một nền tảng toàn diện cho quyền tự do ngôn luận, Twitter đang trở thành một quảng trường kỹ thuật số, nơi các vấn đề quan trọng đối với tương lai của nhân loại được tranh luận và là nơi mọi người có thể tự do thể hiện quan điểm trong giới hạn của luật pháp."
Elon Musk vẫn chưa cho biết liệu ông có xóa bỏ lệnh cấm vĩnh viễn tài khoản trên Twitter của ông Donald Trump hay không. Trước đó, vị cựu Tổng thống Mỹ đã bị chặn tài khoản trên Twitter sau những bài đăng bị cho là vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng vào ngày 6 tháng 1 năm ngoái.
Những người chỉ trích kế hoạch của Musk đã bày tỏ lo ngại rằng ông sẽ cho phép nội dung cực đoan mà Twitter trước đó đang đấu tranh để xóa bỏ hoàn toàn. Musk thừa nhận trong cuộc phỏng vấn với TED rằng việc kiểm duyệt nội dung không phải là một vấn đề đơn giản, cần nhiều thời gian để thay đổi.
Elon Musk sẽ mất bao lâu để thay đổi Twitter?
Thỏa thuận mua lại Twitter vẫn cần thêm các bước để hoàn tất, quá trình này có thể mất vài tuần hoặc vài tháng.
Theo luật liên bang, Elon Musk sẽ phải thông báo cho các nhà quản lý tại Ủy ban Thương mại Liên bang và Bộ Tư pháp về kế hoạch mua Twitter của mình. Nếu các cơ quan quản lý mở cuộc xem xét thỏa thuận, điều đó có thể dẫn đến sự chậm trễ trong việc chốt giao dịch. Trước đó, vào hồi tháng 7 năm nay, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) đã từng mở cuộc điều tra về việc tỉ phú Elon Musk có ý định mua lại Twitter.
Khi công bố giá thầu của mình, Elon Musk đã nói trong một hồ sơ gửi tới Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch rằng “kể từ khi thực hiện khoản đầu tư của mình, tôi nhận ra rằng công ty cần phải được chuyển đổi thành một công ty tư nhân."
Elon Musk cho biết ông muốn giữ càng nhiều cổ đông càng tốt theo quy định của pháp luật khi ông chuyển công ty thành tư nhân. Và ông cũng chưa công bố kế hoạch về đội ngũ lãnh đạo hoặc ban giám đốc tiềm năng, vì vậy vẫn còn rất nhiều câu hỏi bỏ ngỏ về mức độ ảnh hưởng trực tiếp của Elon Musk đối với Twitter trong tương lai.
Elon Musk đã nói gì về tính năng chỉnh sửa trên Twitter?
Nút chỉnh sửa có lẽ là một trong những tính năng được yêu cầu nhiều nhất trên Twitter. Trước đó, Elon Musk cũng đã hỏi những người theo dõi của mình liệu họ có muốn một nút chỉnh sửa trong một cuộc thăm dò trên Twitter hay không và 73,6% trong số hơn 4 triệu người đều đồng tình là có.
Một ngày sau, nhóm truyền thông của Twitter đã xác nhận trong một bài đăng rằng đang phát triển tính năng này.
Ông Musk sẽ làm gì để thuật toán của Twitter minh bạch hơn?
Elon Musk cho biết ông muốn thuật toán của Twitter trở nên minh bạch hơn, bao gồm cả việc cho phép mọi người xem liệu các bài đăng của họ đang được "ưu tiên hiển thị" hay bị cho vào danh sách "hạn chế". Elon Musk cho biết việc làm này sẽ giúp ngăn chặn việc "bịt miệng người dùng."
Các nhà nghiên cứu cho biết kế hoạch của Elon Musk rất khó để thực hiện và trước đây Twitter cũng đã từng nghĩ đến ý tưởng này.
Một cựu nhân viên Twitter đã thảo luận và cho biết công ty đang hướng tới một “thị trường thuật toán,” trong đó người dùng có thể chọn các cách khác nhau để xem nguồn cấp dữ liệu của họ. Tuy nhiên, những nỗ lực nhằm cung cấp tính minh bạch là đầy thách thức, vì các thuật toán của Twitter thường gắn liền với các hệ thống khác của nền tảng này. Cựu nhân viên nói thêm, nếu mở thuật toán này ra, điều này có thể làm tiết lộ bí mật thương mại và dẫn đến việc bị lạm dụng.
Quyền riêng tư trên Twitter
Không rõ liệu tỉ phú Elon Musk có thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với chính sách quyền riêng tư của công ty hay không. Elon Musk chưa công bố bất kỳ kế hoạch nào về việc thay đổi và có thể sẽ phải đối mặt với phản ứng dữ dội nếu dữ liệu của người dùng trở nên kém an toàn hơn. Việc sở hữu Twitter được cho là sẽ giúp ông Elon Musk kiểm soát nhiều dữ liệu người dùng nhạy cảm hơn so với các công ty Tesla và SpaceX.
Các tin nhắn trực tiếp trên Twitter không được mã hóa, có nghĩa là chúng kém an toàn hơn và những người trong nội bộ Twitter có thể dễ dàng "đọc trộm" chúng vì nó không yêu cầu khóa mã hóa. Mặc dù Twitter có tùy chọn xóa tin nhắn nhưng nó cảnh báo rằng hành động này chỉ xóa dữ liệu cho một người dùng cá nhân. Các bên khác vẫn có thể nhìn thấy nó, có nghĩa là những tin nhắn này sẽ được lưu trữ trên máy chủ Twitter.
Các tin nhắn trực tiếp hoặc tin nhắn riêng tư của Elon Musk trên Twitter đôi khi cũng được công khai. Năm ngoái, Elon Musk nhắn tin cho một thiếu niên đang điều hành một tài khoản theo dõi máy bay riêng của ông ấy. Musk đề nghị trả cho người này 5.000 USD để xóa tài khoản nhưng cậu thanh niên này đã từ chối.
Theo Washington Post