|
TikTok đang hạn chế trẻ em dùng ứng dụng |
Cơ quan bảo vệ dữ liệu của Ý đã yêu cầu TikTok tạm thời chặn tài khoản của bất kỳ người dùng nào không thể xác định tuổi tác, Reuters đưa tin.
Yêu cầu này được đưa ra sau cái chết của một bé gái 10 tuổi ở Palermo. Cha mẹ của em nói với nhà chức trách rằng con gái họ đã tham gia một thử thách trên TikTok có tên là “Blackout Challenge” (tạm dịch là Thử thách Biến mất). Khi tham gia thử thách, cô bé đã chết vì ngạt thở. Nhà chức trách đang điều tra xem ai là người mời cô bé tham gia thử thách.
Cơ quan Bảo vệ Dữ liệu Ý đã ra lệnh cho TikTok chặn người dùng chưa được xác minh độ tuổi cho đến ít nhất là ngày 15 tháng 2. Trả lời phỏng vấn tờ The Guardian, đại diện TikTok nói rằng họ không tìm thấy nội dung trên nền tảng của mình có thể khuyến khích đứa trẻ tham gia thử thách, nhưng cho biết họ đang hợp tác với cuộc điều tra.
“Bảo mật và an toàn là ưu tiên hàng đầu cho TikTok và chúng tôi đang không ngừng tăng cường các chính sách, quy trình và công nghệ của mình để bảo vệ tất cả người dùng nói chung và người dùng trẻ tuổi nói riêng”, người phát ngôn của TikTok cho biết.
Theo điều khoản sử dụng dịch vụ TikTok, để đăng ký tài khoản, người dùng phải từ 13 tuổi trở lên. Nhưng các nhà chức trách Ý cho biết rất dễ dàng để lách qua quy định đó. Tại Mỹ, TikTok có một phiên bản ứng dụng dành cho trẻ em dưới 13 tuổi nhằm giới hạn nội dung và sự tương tác trên đó.
Khi mức độ phổ biến tăng vọt, TikTok đã dành phần lớn thời gian trong năm qua để bổ sung thêm nhiều biện pháp kiểm soát quyền riêng tư cho tài khoản của người dùng trẻ tuổi. Họ giới thiệu cho phụ huynh tính năng “kiểm soát từ xa”, cho phép cha mẹ thay đổi cài đặt quyền riêng tư của trẻ em trên ứng dụng. Đầu tháng này, TikTok đã cập nhật cài đặt quyền riêng tư mặc định cho người dùng từ 13 đến 15 tuổi, đưa ra giới hạn về những người có thể xem và nhận xét về video của bọn trẻ.
Nhưng những người ủng hộ quyền riêng tư của trẻ em đã lập luận rằng TikTok không làm đủ để bảo vệ trẻ em trên nền tảng của họ. Công ty mẹ ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh đã nộp phạt 5,7 triệu USD cho Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ vào năm 2019 cho ứng dụng Musical.ly (phiên bản tiền thân tại Mỹ của TikTok), vì cáo buộc ứng dụng này vi phạm Đạo luật Quyền riêng tư Trực tuyến của Trẻ em (COPPA) trong việc cho phép người dùng dưới 13 tuổi đăng ký sử dụng ứng dụng mà không có sự đồng ý của cha mẹ.