Cái giá ấn tượng của cụm dự án điện mặt trời Lộc Ninh

VietTimes -- Dù chỉ là thâu tóm các công ty trung gian, mức giá trung bình mà Super Energy Corporation sẵn sàng chi trả lên tới 102.520 đồng cho mỗi cổ phần. Đó là chưa kể khoản tiền tối đa 8.919 tỷ đồng để trả chi phí xây dựng cụm dự án quang điện Lộc Ninh của Hưng Hải Group.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (World Bank), trong quy hoạch phát triển điện lực 7 sửa đổi (PDP 7 sửa đổi) ban hành năm 2016, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu 12 gigawatt (GW) công suất điện mặt trời. Chính phủ cũng đề ra các mục tiêu trung gian 850 megawatt (MW) điện mặt trời vào năm 2020 và 4 GW vào năm 2025.

Tuy nhiên, vào giữa năm 2019, Việt Nam đã đạt được mục tiêu của năm 2025 với công suất đặt hơn 4,5 GW.

Việc Việt Nam hoàn thành “sớm” các mục tiêu phát triển điện mặt trời phần nào nhờ chính sách biểu giá điện năng lượng tái tạo ưu đãi hòa lưới (feed-in-tariff (FIT)) theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam ban hành ngày 11/4/2017. Theo quyết định này, giá FIT trong Hợp đồng mua bán điện (PPA) là 9,35 Uscents/kWh (FIT1).

Nhiều chủ đầu tư đã ồ ạt đầu tư vào điện mặt trời để mong được hưởng chính sách giá FIT1 trước khi hết hiệu lực (ngày 30/6/2019).

Trong số nhiều dự án đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với EVN trước thời hạn trên, cụm dự án điện mặt trời Lộc Ninh 1-5 của CTCP Tập đoàn Hưng Hải (Hưng Hải Group) có công suất phát điện nổi trội. Ngoại trừ, nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 5 (công suất 50 MWp), các nhà máy điện còn lại có công suất từ 150 - 200 MWp/nhà máy.

Bên cạnh đó, cụm dự án điện của Hưng Hải Group còn được đặt tại Bình Phước - địa phương có tiềm năng công suất điện mặt trời tốt nhất cả nước (theo báo cáo của WB).

Bình Phước là địa phương dẫn đầu trong nhóm tiềm năng lắp đặt điện mặt trời (Nguồn: WB)
Bình Phước là địa phương dẫn đầu trong nhóm tiềm năng lắp đặt điện mặt trời (Nguồn: WB)

Như VietTimes từng đề cập, Công ty Super Energy Corporation (SEC) gần đây đã “đánh tiếng” về việc thâu cụm dự án điện mặt trời Lộc Ninh 1-4. Theo đó, doanh nghiệp Thái Lan dự tính chi trả tối đa 456,7 triệu USD (khoảng 10.617,8 tỷ đồng) cho thương vụ này.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, SEC sẽ dành tối đa 72,9 triệu USD (1.698,7 tỷ đồng) để thâu tóm toàn bộ cổ phần tại công ty trung gian (SSEVN1, SSELN2, SSEBP3 và New Hold Co 4).

Cụ thể, SEC sẽ mua đủ số cổ phần để sở hữu 49% vốn, rồi sau đó sẽ mua 51% cổ phần còn lại từ các cổ đông hiện hữu là bà Châu Mộng Như (SN 1988) và ông Tạ Xuân Thắng (SN 1981).

Lộ trình thanh toán mua cổ phần tại các DN trung gian của SEC (Nguồn: SEC)
Lộ trình thanh toán mua cổ phần tại các DN trung gian của SEC (Nguồn: SEC)

SEC cho biết đã thanh toán số tiền tạm ứng (Advance Payment) và dự tính hoàn tất việc thâu tóm toàn bộ số cổ phần trong tháng 3/2021 thông qua 4 đợt thanh toán tiếp theo.

Ngay đầu tháng 1/2020, Super Solar (Thailand) Co., Ldt (Công ty con của SEC) cùng bà Châu Mộng Như và ông Tạ Xuân Thắng đã thành lập các pháp nhân trung gian cho thương vụ thâu tóm này.

Theo tính toán của VietTimes, SEC muốn trả cao nhất 102.520 đồng cho mỗi cổ phần tại SSELN2 (công ty trung gian thâu tóm nhà máy điện Lộc Ninh 2). Tương tự, mức "giá" trung bình tối đa cho mỗi cổ phần mà SEC sẵn sàng chi trả tại SSEVN1, SSEBP3 và New Hold Co 4 lần lượt là 62.133 đồng, 76.890 đồng và 82.016 đồng.

Các khoản chi trả mà SEC dành cho cụm dự án điện mặt trời Lộc Ninh của Hưng Hải Group (Nguồn: SEC)
Các khoản chi trả mà SEC dành cho cụm dự án điện mặt trời Lộc Ninh của Hưng Hải Group (Nguồn: SEC)

Bên cạnh việc mua cổ phần, SEC dành tối đa 8.919 tỷ đồng để thanh toán cho việc xây dựng và phát triển các dự án điện mặt trời Lộc Ninh 1-4.

Bà Châu Mộng Như là Á hậu Châu Á tại Mỹ năm 2012 là một đối tác quen mặt với giới chủ của Hưng Hải Group. Cụ thể, năm 2017, bà Như và Hưng Hải Group cùng tham gia góp vốn thành lập CTCP Năng lượng Xanh HHG (HHG) hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, truyền tải và phân phối điện.

Bà Châu Mộng Như còn đảm nhiệm chức Tổng Giám đốc tại CTCP Năng lượng Hưng Bình (Hưng Bình), chủ đầu tư dự án điện mặt trời Sông Bình 6 công suất 250MW tại Bình Thuận. Doanh nghiệp này do ông Trần Đình Hải (Chủ tịch Hưng Hải Group) cùng một cá nhân có liên quan sở hữu 45% vốn điều lệ.

Về phần mình, Hưng Hải Group là “ông trùm” đất hiếm tại Việt Nam khi trực tiếp/góp vốn quản lý, khai tại các mỏ đất hiếm lớn ở Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái.

Đối tượng khách hàng của Hưng Hải Group là các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản và Trung Quốc như: Henan Hongke Heavy Machinery Co.,Ltd; Shandong Better Environmental Protection Technology Co., Ltd, Henan Dazhang Filter Equipment Co., Ltd.

Ngoài ra, tập đoàn này cũng là chủ đầu tư nhiều dự án thủy điện tại các tỉnh phía Bắc./.