Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, việc triển khai giải pháp niêm phong đồng hồ tổng các cơ sở kinh doanh xăng dầu sẽ giám sát được sản lượng xăng dầu bán ra trên thị trường, để so sánh con số nhập khẩu, qua đó giám sát được tình trạng nhập lậu xăng dầu vào Việt Nam và kiểm soát được tình trạng thất thu thuế cho ngân sách nhà nước.
Cụ thể, sau khi dán tem sản lượng xăng dầu tiêu thụ đều ghi nhận tăng, qua đó số thuế bảo vệ môi trường nộp ngân sách nhà nước tăng bình quân 10-15% so với khi chưa thực hiện (như Nghệ An tăng 20%, Quảng Ninh tăng 15%, Thái Bình tăng 14%...).
Để hoàn thiện đề án dán tem xăng dầu, thời gian tới Tổng cục Thuế tiếp tục chỉ đạo các Cục Thuế sớm hoàn thành việc tham mưu cho chính quyền tỉnh phê duyệt đề án dán tem theo từng tỉnh và hoàn thành việc dán tem; đồng thời, chuẩn hóa và đồng bộ các tiêu chỉ đánh giá để phản ảnh khách quan, chính xác kết quả do công tác dán tem mang lại; sớm thực hiện sơ kết, đánh giá việc dán tem trên phạm vi toàn quốc để khắc phục những tồn tại, hoàn thiện đề án dán tem.
Đồng thời ngành thuế sẽ xây dựng chính sách tiến tới áp dụng hóa đơn điện tử cho lĩnh vực xăng dầu. Để ai mua xăng cũng được xuất hóa đơn (như mua hàng trong siêu thị), thay vì lấy hóa đơn thủ công, mất thời gian như hiện nay. Đồng thời, việc quản lý bằng phần mềm cũng giúp cập nhật số liệu bán lẻ lên hệ thống ngành thuế để kiểm soát.
Được biết, giải pháp niêm phong đồng hồ tổng được hình thành trên cơ sở sáng kiến của Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng và Cục Thuế tỉnh Nghệ An về việc dán tem niêm phong đồng hồ tổng đo đếm lượng xăng tiêu thụ tại từng cột xăng của các cửa hàng xăng dầu.
Tháng 9-2016, bộ trưởng Bộ Tài chính có văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh, TP đề nghị phối hợp, chỉ đạo, tuyên truyền đối với các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh xăng dầu nhân rộng biện pháp trên.
Thực tế cho thấy việc dán tem không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các của hàng, công ty kinh doanh xăng dầu.