|
Vai trò của ông Lê Hồng Minh tại VNG không chỉ giới hạn đơn thuần trong chức danh Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty. (Ảnh: Internet) |
VietTimes đã từng đề cập đến khoản vay của ông Lê Hồng Minh tại Công ty cổ phần VNG, trong đó có bỏ ngỏ về khả năng nó sẽ tiếp tục được gia hạn – như cách đã diễn ra một số lần trong quá khứ.
Một tháng nữa, Chủ tịch VNG Lê Hồng Minh sẽ phải trả khoản vay 250 tỷ đồng |
Song theo báo cáo tài chính mới nhất của VNG, khoản công nợ này đã được tất toán. Tại thời điểm chốt sổ (30/6/2018), VNG không còn ghi nhận khoản phải thu về cho vay đối với nhà sáng lập của mình.
Việc thanh toán nhiều khả năng đã diễn ra vào ngày 7/4/2018 – thời điểm đáo hạn hợp đồng.
Trong phần thuyết minh về các nghiệp vụ với các bên liên quan, VNG cho biết tổng số tiền đã thu hồi gốc và lãi vay từ ông Lê Hồng Minh – Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty – là 252,6 tỷ đồng (làm tròn).
Ở thời điểm đầu năm, VNG ghi nhận giá trị khoản cho vay ông Lê Hồng Minh là 249,6 tỷ đồng. Chưa kể 24,3 tỷ đồng lãi vay.
Được biết, khoản vay của ông Minh tại VNG chính thức phát sinh từ ngày 11/9/2012. Nó không có tài sản thế chấp nhưng được tính lãi – nhưng mức lãi suất cũng khá “ưu đãi”. Theo như thông tin tại báo cáo tài chính bán niên 2017 của VNG, là 3,58%/năm.
Ngoài việc thu hồi nợ vay của ông Lê Hồng Minh, trong kỳ, VNG cũng đã tất toán khoản cho vay đối với một bên liên quan khác – là Công ty cổ phần Ti ki (thu hồi gốc vay 21,55 tỷ đồng).
|
Nguồn tiền thu hồi từ các bên liên quan đã góp phần gia tăng đáng kể quy mô tiểu khoản tiền và các khoản tương đương tiền ở VNG, đạt 882,7 tỷ đồng vào 30/6/2018 – tăng 80% so với mức 490,8 tỷ đồng ở thời điểm đầu năm.
Tính đến cuối tháng 6/2018, tổng tài sản của VNG đạt 4.364,6 tỷ đồng – tăng nhẹ so với mức 4.300,4 tỷ đồng ở thời điểm đầu năm. Trong đó, vốn chủ sở hữu là 3.721,4 tỷ đồng; Nợ phải trả là 643,1 tỷ đồng.
Nửa đầu 2018, VNG ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ ở mức 2.065,8 tỷ đồng – thấp hơn chút ít so với mức 2.101,6 tỷ đồng ghi nhận trong nửa đầu 2017. Tuy nhiên, giá trị lợi nhuận sau thuế lại giảm mạnh, về chỉ còn 241 tỷ đồng, bằng phân nửa so với mức 582,2 tỷ đồng của cùng kỳ 2017.
Tuy vậy, với mức lãi cơ bản trên một cổ phiếu đạt 10.437 đồng trong nửa năm, có thể nói, VNG vẫn là một trong những công ty làm ăn hiệu quả bậc nhất trên thị trường./.