Sau 20 năm, phần mềm nguồn mở đã làm được gì?

Hầu hết các đoạn mã vẫn đang ở trạng thái đóng cũng như các công ty vẫn giữ mọi quyền sở hữu, thậm chí trong hiện tại, khi nguồn mở đã thống trị nền tảng doanh nghiệp. Vì sao lại thế?

Phần mềm nguồn mở đã "có danh có phận" trong suốt 20 năm qua. Nhưng có mấy ai để ý?

Phần mềm nguồn mở đã tồn tại 20 năm qua

Câu trả lời thật sự là không có mấy ai. Đối với một cái gì đó mang tính cách mạng như mã nguồn mở, có thể bạn nghĩ rằng nó sẽ làm thay đổi cách người ta phát triển, bán ra và phân phối các phần mềm ứng dụng. Nhưng thật không may cho những người lên kế hoạch tổ chức tiệc mừng kỷ niệm 20 năm ngày ra mắt phần mềm mã nguồn mở, nó đã không làm thay đổi phần mềm. Và đối với hầu hết các nhà phát triển từ lúc đó cho tới bây giờ, phần mềm vẫn thuộc sở hữu độc quyền của họ.

Thứ đã thay đổi trong 20 năm qua chính là câu chuyện về phần mềm. Trong hiện tại, chúng ta cảm thấy thoải mái với ý tưởng các phần mềm có thể, và có lẽ nên, là nguồn mở mà không gây ảnh hưởng gì đến thế giới xung quanh. Tuy nhiên, để thật sự "mở" được các mã nguồn đó lại là điều cần giải quyết trong 20 năm tới.

Mã nguồn mở đã giành được mảng cơ sở hạ tầng nhưng "thua" ở mảng phần mềm

Quay trở lại năm 1999, Eric Raymond lập luận rằng có đến 95% phần mềm được viết ra chỉ để dùng chứ không bán, do đó chúng nên được mở mã nguồn ra rộng rãi. Nhưng không! Gần như tất cả các mã nguồn của chúng vẫn đóng cho đến tận hôm nay.

Eric Raymond - Nhà sáng lập Open Source Initiative

Mười năm sau, sau thời điểm tổ chức Open Source Initiative chính thức đặt ra thuật ngữ "mã nguồn mở" ("Open source"), không có gì thay đổi nhiều, như điều Giám đốc điều hành của Red Hat, ông Jim Whitehurst đã chia sẻ tại Hội nghị thượng đỉnh Red Hat 2008, công khai chỉ trích sự lãng phí trong các phần mềm dành cho doanh nghiệp:

"Ngày nay, phần lớn các phần mềm được viết để sử dụng trong doanh nghiệp và không bán lại. Phần lớn trong số đó không bao giờ thực sự được sử dụng. Sự lãng phí trong việc phát triển các phần mềm ứng dụng CNTT là rất lớn... Mục tiêu cuối cùng của phần mềm nguồn mở là nhằm cung cấp giá trị cho tất cả khách hàng của chúng ta trên toàn thế giới, chúng ta cần khách hàng không chỉ là những người sử dụng các sản phẩm mã nguồn mở mà còn muốn họ thực sự gắn bó với mã nguồn mở và trở thành một phần của cộng đồng phát triển ứng dụng mã nguồn mở".

Một số nhà quan sát đã thấy có nhiều tiến triển khả quan. Theo một nghiên cứu của European Commission Flossmetrics năm 2009, 35% trong tổng số tất cả mã nguồn (bao gồm để bán hay không bán) là mã nguồn mở. Đó là một con số rất hào phóng.

Và cũng như Mike Olson – nhà đồng sáng lập của Cloudera đã chỉ ra vào năm 2013, nguồn mở đã chiếm ưu thế trong cơ sở hạ tầng doanh nghiệp:

Đã hiện hữu một xu hướng tuyệt vời và hầu như không thể thay thế được trong cơ sở hạ tầng doanh nghiệp. Nếu bạn đang điều hành một trung tâm dữ liệu, gần như bạn đang sử dụng một hệ điều hành, cơ sở dữ liệu, nền tảng trung gian và các hệ thống khác sử dụng mã nguồn mở. Không có phần mềm làm nền tảng cơ sở hạ tầng nào thật sự nổi bật xuất hiện trong mười năm qua ở dạng mã nguồn đóng và sở hữu độc quyền.

Mike Olson – nhà đồng sáng lập của Cloudera

Tất nhiên, luận điểm của Olson là đúng: Phần lớn những đổi mới trong cơ sở hạ tầng doanh nghiệp đang bị chi phối ngày càng nhiều bởi các giấy phép phần mềm nguồn mở. Chúng ta có Docker và Kubernetes cho các nền tảng kiến trúc hạ tầng hiện đại, cả hai nền tảng đều đang là mã nguồn mở. Về mảng dữ liệu lớn? Chúng ta có Hadoop, Kafka, và nhiều công nghệ mã nguồn mở khác cũng đang có sẵn ngoài kia. Trong lĩnh vực máy học và trí tuệ nhân tạo (AI)? Chúng ta cũng có các nền tảng nguồn mở như TensorFlow, MXNet và nhiều thứ khác nữa.

Vì vậy, các nền tảng mở của chúng ta đang ngày một gia tăng ngay cả khi các ứng dụng vẫn đang đóng và độc quyền. Làm thế nào cùng tồn tại một tương lai mà chúng ta phụ thuộc vào mã nguồn mở nhiều hơn ngay cả khi phần lớn các đoạn mã vẫn tiếp tục bị khóa trong giấy phép bản quyền riêng?

Nếu tỷ lệ mã nguồn có chất lượng tốt nhất được mở ra ngày càng gia tăng, tại sao không thúc đẩy chúng xảy ra nhanh hơn nữa? Như lời của John Mark Walker – chuyên gia tại ARM đã chia sẻ với InfoWorld: "Tất cả những phát kiến quan trọng xảy ra ngay lúc này đều đi cùng với các nền tảng mã nguồn mở" và "vẫn còn rất nhiều người ... phát minh lại bánh xe".

Tại sao lại như vậy?

Các doanh nghiệp không đáp ứng được nguồn lực và đầu tư cho nguồn mở

Geir Magnusson, Giám đốc của Apache Software Foundation, cũng là giám đốc công nghệ (CTO) của Sourcepoint, nói thế này:

"Tác động (của mã nguồn mở) là rất lớn đối với những thứ vốn không có sự khác biệt hoặc ở cơ sở hạ tầng. Nhưng bên trong "95% phần mềm" (mà Eric Raymond đã đề cập ở trên) là một mớ bòng bong được tạo ra nhằm mục đích phục vụ cho những nhu cầu (thực tế hoặc nhận thức) riêng/cụ thể nào đó.

Nói một cách khác, có rất nhiều mã nguồn vẫn còn đang đóng, và chúng ta nên biết ơn vì chúng ta đã không phải nhìn thấy nó, bởi vì nó sẽ trở nên vô ích khi đưa ra khỏi doanh nghiệp, nơi mà nó đã được viết ra. Nó có thể trở thành nguồn mở hay không? Vâng, có thể. Nhưng có nên không? Cái này thì…"

Geir Magnusson - giám đốc công nghệ (CTO) của Sourcepoint

Ngoài ra, cũng có một sự thật khác về chi phí rất thực tế liên quan đến mã nguồn mở, như nhấn mạnh của chiến lược gia tại Red Hat - Dave Neary: "Với tư cách là người dùng duy nhất" của mã nguồn, ông cho rằng "những lợi ích của nó là rất thấp". Theo ông Jim Jagielski – giám đốc của Apache Software Foundation (cựu giám đốc của Capital One) thừa nhận: "Các công ty nói rằng họ muốn nắm lấy nguồn mở nhưng lại không đáp ứng được yêu cầu về nguồn lực và đầu tư, vì vậy họ thất bại!", chính điều này gây ra "hiệu ứng lan tỏa" dẫn đến việc "đổ lỗi cho mã nguồn mở chứ không phải ở chính bản thân họ".

Tóm lại, lý do hầu hết các phần mềm vẫn đang bị khóa trong bốn bức tường của doanh nghiệp là bởi vì nó quá tốn kém so với lợi tức đầu tư (ROI) quá nhỏ bé để mở mã nguồn cho chúng. Ít nhất, đó là mặt nhận thức. Để phá vỡ bức tường nhận thức đó, cần phải đi theo con đường mã nguồn mở, nhưng các công ty sẽ không muốn bước đi trên con đường đó trừ phi họ có trong tay một bằng chứng thuyết phục. Bạn có thấy được vấn đề đang xảy ra ở đây không?

Vẫn hy vọng sẽ có nhiều phần mềm nguồn mở hơn trong 20 năm tới

Câu hỏi hóc búa về con gà và quả trứng đang bắt đầu tự nó đưa ra hướng giải quyết nhờ những nỗ lực hướng tới tương lai của Google, Facebook, Amazon và các trang web khổng lồ khác, đang thể hiện giá trị của mã nguồn mở. Mặc dù không có khả năng các công ty lớn như tập đoàn tài chính và bảo hiểm State Farm hay tập đoàn năng lượng đa quốc gia Chevron sẽ tham gia vào liên minh nguồn mở như cái cách mà Microsoft đã làm, nhưng chúng ta đã bắt đầu nhìn thấy các công ty như Bloomberg và Capital One tham gia vào nguồn mở theo cách mà họ không bao giờ nghĩ đến khi thuật ngữ "mã nguồn mở" được đưa ra vào năm 1997, kể cả ở thời điểm mười năm sau đó.

Phần mềm nguồn mở vẫn còn đoạn đường rất dài phía trước

Đó là một sự khởi đầu.

Cũng đừng quên rằng mặc dù chúng ta đã thấy các công ty sử dụng mã nguồn mở ngày càng nhiều hơn trong suốt 20 năm qua, nhưng chiến thắng lớn nhất dành cho mã nguồn mở kể từ khi nó ra đời đó là làm thế nào nó thay đổi câu chuyện về sự đổi mới xảy ra bên trong phần mềm. Chúng ta bắt đầu tin tưởng nó vì một lý do tốt đẹp, phần mềm tốt nhất và sáng tạo nhất chính là mã nguồn mở.

Tất nhiên là không phải tất cả các phần mềm. Theo giám đốc của Apache Software Foundation và cũng là giám đốc khoa học của Adobe, ông Bertrand Delacretaz cho biết: "(Phần mềm) nguồn mở làm việc tốt nhất khi ứng dụng làm phần mềm cơ sở hạ tầng". Theo ông, rất ít khả năng nó có thể thay thế phần mềm ứng dụng bởi vì "khi đi lên các lớp trên (của nhóm các phần mềm (software stack)) thì rất khó để có thể dung hợp".

Bertrand Delacretaz - Giám đốc khoa học của Adobe

Nhưng đối với phần mềm nền tảng đó, câu chuyện bây giờ đó là nguồn mở thúc đẩy sự đổi mới. Theo diễn giải của Walker, trong phạm vi doanh nghiệp, nó đang giúp "tái phát minh bánh xe phần mềm cơ sở hạ tầng", và chúng ta chắc chắn sẽ thấy điều này diễn ra không ngừng nghỉ trong 20 năm tới, với mức độ tham gia ngày càng tăng của cộng đồng mã nguồn mở.

Đây chính là điều mà mã nguồn mở đã mất 20 năm đồng hành cùng chúng ta, và đó là một sự khởi đầu tuyệt vời cho 20 năm tới.

Theo báo Diễn đàn đầu tư

http://vnreview.vn/tin-tuc-khoa-hoc-cong-nghe/-/view_content/content/2382749/sau-20-nam-phan-mem-nguon-mo-da-lam-duoc-gi
Theo VnReview