Sau 2 tháng đầu năm 2019, kinh tế Việt Nam xuất hiện những tín hiệu cảnh báo sớm

VietTimes -- Số liệu tổng hợp của các chuyên gia CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) trong “Báo cáo vĩ mô tháng 2/2019 - Những tín hiệu cảnh báo sớm” cho thấy những tín hiệu chuyển biến đan xen của nền kinh tế vĩ mô Việt Nam gồm cả tích cực lẫn tiêu cực.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Chỉ số PMI “chạm đáy” 3 năm, hoạt động XNK tăng trưởng thấp

Trích dẫn số liệu của Nikkei, báo cáo của BVSC nhận định chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam chỉ đạt 51,2 điểm, mức thấp nhất trong vòng 35 tháng trở lại đây. Điều này cho thấy khu vực sản xuất đang tăng trưởng chậm lại.

Trong tháng 2/2019, chỉ số sản xuất công nghiệp (SXCN) đã giảm mạnh 17% so với tháng trước. Lũy kế 2 tháng đầu năm nay, chỉ số SXCN chỉ tăng 9,2%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 15% của cùng kỳ năm 2018.

Xu hướng sụt giảm này diễn ra rõ nét tại các nhóm hàng điện tử, máy vi tính và quang học (chỉ tăng 5,2% trong khi cùng kỳ tăng 38%); nhóm sản xuất thuốc và hóa dược (giảm 12,4% trong khi cùng kỳ tăng 12,7%).

Ở chiều hướng ngược lại, vẫn có một số nhóm ngành có chỉ số SXCN tăng trưởng tốt so với cùng kỳ là: sản xuất kim loại (tăng 36%); sản xuất xe có động cơ (tăng 21%); sản xuất giường tủ bàn ghế (tăng 13,8%).

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được các chuyên gia BVSC cho biết là do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán.

Mặt khác, kỳ nghỉ lễ kéo dài cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng các hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng trưởng thấp hơn hẳn so với cùng kỳ.

Cụ thể, cả xuất khẩu và nhập khẩu trong tháng 2 đều có xu hướng giảm mạnh, hơn 20%, so với tháng 1/2019. Lũy kế 2 tháng đầu năm, hoạt động xuất khẩu có mức tăng thấp hơn so với nhập khẩu. So với cùng kỳ năm ngoái, cả hai hoạt động này đều có mức tăng thấp hơn rất nhiều (cùng kỳ năm 2018 xuất khẩu tăng 23% trong khi nhập khẩu tăng 18%).

Do đó, cán cân thương mại đã chuyển sang trạng thái thâm hụt (800 triệu USD) trong 2 tháng đầu năm. Lũy kế 12 tháng gần nhất, thặng dự thương mại đang có xu hướng giảm dần.

“Đây là tín hiệu đáng lo ngại cho tăng trưởng GDP trong cả quý I/2019” - báo cáo của BVSC nhận định.

Cũng cần lưu ý rằng, theo số liệu thống kê vừa được công bố của Tổng cục Hải quan, thay vì nhập siêu, Việt Nam đang trong tình trạng xuất siêu 800 triệu USD vào tháng 1/2019. Con số này hoàn toàn trái ngược so với số liệu của Tổng cục Thống kê công bố vào ngày 29/1/2019.

Sự khác biệt về số liệu được cho là đến từ việc Tổng cục Thống kê công bố số vào khoảng cuối tháng 1 nhưng phía Hải quan mới chỉ cung cấp được số liệu xuất nhập khẩu thực của 10 ngày đầu tháng đó nên số liệu thống kê chỉ là ước tính.

Với sự khác biệt về số liệu thống kê như vậy, rất có thể BVSC sẽ cập nhật những nhận định mới về nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Cầu tiêu dùng tăng trưởng tốt, vốn FDI tăng đột biến

Số liệu của BVSC cho thấy doanh số bán lẻ trong tháng 2/2019 tuy có giảm 3% so với tháng 1/2019, nhưng lũy kế 2 tháng đầu năm ghi nhận tăng trưởng 12,8% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/2018, cho thấy tiêu dùng trong nước vẫn tăng trưởng tốt.

Bên cạnh đó, 2 tháng đầu năm 2019 cũng ghi nhận sự tăng trưởng tốt của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Cụ thể, vốn FDI đăng ký tăng 58%; vốn FDI thực hiện tăng 52% so với cùng kỳ năm trước.

 FDI vào Việt Nam tăng vọt nhờ thương vụ Beerco mua cổ phần Vietnam Beverage

Trong đó, vốn FPI (vốn góp mua cổ phần) tăng tới 312% so với cùng kỳ. Nguyên nhân đến từ việc chuyển khoản nợ (được dùng để tài trợ cho thương vụ thâu tóm cổ phần của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) trước đó) thành vốn góp mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào Công ty TNHH Vietnam Beverage với giá trị vốn góp là 3,85 tỷ USD.

Ngoài ra, một số chỉ báo kinh tế vĩ mô khác cũng có diễn biến tích cực, dù bị ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ trong ngắn hạn.

Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn được đánh giá đang duy trì xu hướng giảm kể từ mức đỉnh 4,5% vào tháng 07/2018 đến nay. Dù rằng, trong tháng 2/2019, chỉ số này đã tăng mạnh 0,8% so với tháng trước do bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố mùa vụ (ảnh hưởng của Tết Nguyên đán).

Diễn biến lãi suất liên ngân hàng trong nửa cuối tháng 2/2019 cũng bắt đầu có xu hướng hạ nhiệt so với 2 tháng trước đó. Nguyên nhân được các chuyên gia BVSC nhận định là do lượng tiền nhàn rỗi có xu hướng quay trở lại hệ thống sau Tết và dự báo lãi suất liên ngân hàng sẽ tiếp tục hạ nhiệt trong tháng 3/2019.

Tương tự, diễn biến tỷ giá trong tháng 2/2019 cũng không ghi nhận nhiều biến động. So với tháng 1, tỷ giá trung tâm trong tháng 2 tăng nhẹ 0,2% trong khi tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại gần như không thay đổi./.