Mỹ đã thực hiện thành công vụ thử nghiệm thứ 6 loại tên lửa chống hạm tầm xa mới. Vào ngày 19.3, Lockheed Martin đã đưa ra thông cáo báo chí tuyên bố Không lực Mỹ đã thử nghiệm thành công tên lửa chống hạm tầm xa của Lockheed (viết tắt: LRASM) tại vùng bờ biển California. Thông cáo có đoạn: "Trong cuộc thử nghiệm, máy bay ném bom B-1B thuộc phi đội thử nghiệm 337 thuộc căn cứ không quân Dyess ở Texas đã phóng LRASM trên khu vực thử Sea Range tại Point Mugu, California. Tên lửa đã tấn công thành công mục tiêu trên biển và hoàn thành các mục tiêu thử nghiệm".
Thông cáo báo chí cũng dẫn lời ông David Helsel - Giám đốc chương trình LRASM tại Lockheed: "LRASM đã tự chứng minh khả năng của nó trong 6 lần thử nghệm liên tiếp... Sự đáng tin cậy và khả năng nổi bật của LRASM sẽ cung cấp một vũ khí vô song cho các máy bay chiến đấu của chúng ta trong các nhiệm vụ kiểm soát biển ở những môi trường tranh cãi".
Lockheed thử nghiệm tên lửa LRASM.
LRASM là dự án của Cơ quan các dự án nghiên cứu phòng thủ tiên tiến DARPA và là chương trình do Hải quân Mỹ bỏ vốn để cung cấp cho Hải quân và Không lực Mỹ một vũ khí tấn công mục tiêu nổi (OASuW) để chống lại những mối đe dọa đang tăng lên theo học thuyết Chống tiếp cận - Chống xâm nhập (A2/AD). Chương trình được DARPA bắt đầu năm 2009 và thừa hưởng những công nghệ của chương trình tên lửa không đối đất nối tầm JASSM-ER. Nó được phát triển nhanh chóng với chương trình Sức mạnh mua sắm cải tiến 3.0 của Lầu Năm Góc với hy vọng sẽ là một giải pháp lấp chỗ trống để bù lại cho các loại tên lửa chống hạm Harpoon đã lỗi thời của hải quân. Theo các thông báo, LRASM có tầm bắn khoảng 930km và có đầu đạn nổ phân mảnh nặng khoảng 450kg.
LRASM trước hết được thiết kế để cung cấp cho Hải quân và Không lực Mỹ khả năng tấn công tầm xa theo hệ thống dẫn đường chính xác có thể tồn tại trong các môi trường tác chiến điện tử. Để đạt được mục đích này, nó được tích hợp những cảm biến và một hệ thống dẫn đường bán tự động để giảm sự phụ thuộc vào những nền tảng cung cấp thông tin tình báo, giám sát và do thám ISR, những liên kết mạng và hệ thống điều hướng GPS. Nó cũng được trang bị "hệ thống tiếp cận đầu cuối nâng cao khả năng sinh tồn và tiêu diệt mục tiêu" để tránh biện pháp chống trả của kẻ thù trong khi vẫn tiếp cận được mục tiêu dự định.
Tên lửa LRASM.
Lockheed đã thử nghiệm cho LRASM tấn công mục tiêu di động lần đầu vào năm 2013. Lần thử nghiệm đó cũng sử dụng máy bay B-1B từ căn cứ không quân Dyess tại Texas phóng tên lửa qua khu thử nghiệm Sea Range tại Point Mugu, California. Theo thông cáo báo chí của Lockheed ở thời điểm đó: "Sau khi tên lửa được phóng đi, nó bay qua tất cả các điểm dự kiến theo dữ liệu được cập nhật từ hệ thống Weapon Data Link trên hành trình bay. Sau khi chuyển sang chế độ tự dẫn đường, LRASM đã xác định được mục tiêu nhờ sử dụng dữ liệu trong cảm biến tích hợp. Sau đó, tên lửa đi xuống để cho lần tiếp cận cuối, xác minh và tấn công mục tiêu".
Một mốc quan trọng trong chương trình là vào tháng 7.2017, khi Lockheed tổ chức vụ thử nghiệm đầu tiên một tên lửa LRASM cải tiến từ một hệ thống phóng trên tàu. Mặc dù ban đầu chương trình này được thúc đẩy để sản xuất tên lửa cho máy bay nhưng Hải quân Mỹ muốn đưa nó lên các chiến hạm. Lý do rất đơn giản là vì: số lượng. Như ông Sydney Freedberg đã giải thích trên trang Breaking Defense: "Với số lượng tối đa, không giữ gì lại để phòng thủ, một phi đoàn gồm 44 máy bay chỉ có thể chở tối đa 88 tên lửa LRASM trong khi chỉ một tàu khu trục Arleigh Burke có thể chất lên 96 tên lửa loại này".
Việc tăng thêm hỏa lực chống hạm là rất cần thiết với Hải quân Mỹ vì năng lực của họ đã bị giảm đi trong vài thập kỷ qua. Trong thời gian dài, các tàu hải quân Mỹ dựa vào các tên lửa cũ kỹ Harpoon để chống lại những hạm đội trên mặt nước của các đối thủ. Tên lửa Harpoon lần đầu được triển khai từ những năm 1970 chỉ có tầm bay từ 112 tới 242km tùy loại. Điều này làm cho Hải quân Mỹ thua kém so với các nước như Trung Quốc hay Nga.
Tên lửa Harpoon đã lỗi thời.
Kể từ năm 2016, Lầu Năm Góc đã bắt đầu cải tiến những tên lửa tiêu chuẩn SM-6 thường được dùng cho các nhiệm vụ chống tên lửa và phòng không để ngay lập tức lấp lỗ hổng về năng lực. Trong biến thể chống hạm, SM-6 có tầm bắn khoảng 418km nhưng có đầu đạn rất nhỏ so với Harpoon. LRASM là sự kết hợp tốt nhất của cả 2 thế giới: một tên lửa tầm xa với đầu đạn lớn cùng với khả năng hoạt động được trong môi trường tác chiến điện tử.
Trước khi được triển khai trên tàu chiến, LRASM sẽ được trang bị trên máy bay B1-B của Không lực Mỹ hay những chiếc máy bay F/A-18E/F trên tàu sân bay của Hải quân Mỹ. Tháng 7.2017, Lockheed tuyên bố đã nhận được hợp đồng trị giá 86,5 triệu USD để sản xuất "sản phẩm" đầu tiên của tên lửa LRASM cho máy bay so với những tên lửa được mua trước đó chỉ để thử nghiệm. Công ty quân sự này cũng tuyên bố LRASM sẽ được trang bị trên máy bay ném bom B1-B năm nay và trên F/A-18 vào năm 2019.