|
Điện thoại tương lai sẽ có khả năng tự khắc phục màn hình bị rơi vỡ (ảnh: news.com.au) |
Mới đây, tạp chí Science đã đăng tải một nghiên cứu khoa học của giáo sư Takuzo Aida, Đại học Tokyo. Ông Aida đã vô tình tìm ra một loại polymer mới, có độ cứng tương đương với kính cường lực. Điểm đặc biệt là polymer này có thể tự lành thông qua một lực nhấn bằng tay. Thường thì chất liệu polymer sẽ tự lành khi được ép ở nhiệt độ 120 độ C, nhưng loại polymer mới phát hiện chỉ cần 21 độ C và một lực nhấn nhỏ là có thể trở lại nguyên vẹn.
Đây không phải là lần đầu tiên người ta phát hiện ra vật liệu có khả năng thay thế màn hình smartphone với khả năng tự phục hồi. Hồi tháng 3, các nhà hóa học thuộc Đại học California và Đại học Colorado đã phát hiện ra chất liệu tự phục hồi có thể kéo dài tới 50 lần so với kích thước ban đầu. Tháng 8 vừa qua, Motorola cũng đã công bố rằng hãng được cấp bằng sáng chế cho một loại màn hình có thể tự làm lành vết nứt.
Trở lại với khám phá của giáo sư Takuzo Aida đã đề cập ở trên. Cũng giống như nhiều phát minh hiện đại khác, khám phá của giáo sư Aida bắt nguồn từ một sai sót trong thí nghiệm. Một sinh viên trong nhóm nghiên cứu có tên là Yu Yanagisawa đã phát hiện ra các cạnh của tấm polymer có thể dính vào nhau khi dùng tay ấn xuống một lực ở nhiệt độ 21 độ C. Yu nghĩ rằng cậu ta đã tìm ra một loại keo dán mới. Hóa ra, đây lại chính là vật liệu tiềm năng cho màn hình smartphone trong tương lai.
Tất cả những phát hiện mới này trên khắp thế giới sẽ giúp cho các nhà sản xuất sớm tạo ra một các mẫu điện thoại mà khi giận dỗi nhau chúng ta hoàn toàn có thể đập điện thoại mà không lo bị vỡ màn hình! Thay vì buồn bã, chúng ta có thể ngồi xem các vết nứt trên điện thoại dần dần biến mất.