|
Cầu Ghềnh bị sập khiến giao thông đường sắt Bắc - Nam đình trệ |
Cú đâm mạnh của chiếc sà lan làm cả hai nhịp giữa của cầu Ghềnh tại thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) rơi xuống sông trưa ngày 20-3-2016 khiến giao thông đường sắt bị ngưng trệ. Ngoài việc lượng hành khách đường sắt sụt giảm mạnh, các chủ hàng tuyến Bắc - Nam cũng đang than trời vì kế hoạch giao hàng bị đảo lộn. Trong khi đó, cơ quan chức năng cho biết phải đến 15-7 mới sửa chữa, khôi phục xong cầu Ghềnh.
Sáng ngày 21-3-2016, tại ga Sài Gòn, hàng trăm nhân viên vội vàng bốc dỡ hàng hóa đã xếp lên các toa tàu trước đó vài ngày. Tại khu vực kho của ga Sài Gòn, nhiều chủ hàng tập trung để nhận lại hàng, họ vừa đếm hàng, vừa nói chuyện điện thoại liên tục với các khách hàng đầu dây bên kia.
Ông Tài, nhân viên giao nhận hàng của Công ty Hàn Mỹ Việt (quận 1) có mặt tại ga Sài Gòn từ sáng sớm ngày 21-3 để làm thủ tục nhận lại chín kiện hàng linh kiện điện tử được công ty ký hợp đồng với ga Sài Gòn vận chuyển ra Hà Nội. Ông Tài cho hay, trước mắt, công ty sẽ liên hệ với các khách hàng tại Hà Nội để năn nỉ họ đồng ý lùi thời gian giao hàng.
“Đây là tai nạn không lường trước được, tôi nghĩ các khách hàng có thể thông cảm cho chúng tôi. Để duy trì khách hàng làm ăn nhiều năm qua, công ty cũng tính đến phương án vận chuyển hàng bằng đường bộ. Tuy nhiên, đối với loại hàng này, nếu so với cước vận chuyển bằng đường sắt 2.000 đồng/ki lô gam thì dự kiến chi phí vận chuyển bằng đường bộ sẽ tăng gấp đôi. Chúng tôi sẽ thỏa thuận với khách hàng, hy vọng hai bên cùng chia sẻ chi phí tăng thêm này”, ông Tài nói.
Tất bật sắp xếp gần 30 kiện hàng vừa được nhận lại từ kho ga Sài Gòn, ông Gấm, một chủ hàng chuyên chuyển các sản phẩm giày dép từ Sài Gòn ra Hà Nội, than thở: “Từ chiều hôm qua đến nay, điện thoại của tôi dường như muốn cháy máy vì các cuộc gọi từ khách hàng, họ hỏi kế hoạch giao hàng ra sao, thời gian nhận thế nào, chi phí tăng giảm ra sao.
“Chưa lần nào chúng tôi rơi vào tình thế vất vả như lần này. Bây giờ nếu giao bằng ô tô thì phải mất thêm vài ngày, nếu giao bằng máy bay thì chi phí vận chuyển đội lên rất nhiều. Quan trọng nhất là mối quan hệ làm ăn của chúng tôi với hàng chục khách hàng miền Trung, miền Bắc có nguy cơ bị đứt mạch, gián đoạn”, ông Gấm lo lắng.
Còn theo đại diện một công ty sản xuất hàng tiêu dùng nhanh tại TPHCM, hiện 60% tổng khối lượng hàng hóa của công ty được vận chuyển bằng đường sắt từ TPHCM đi miền Bắc. Sau sự cố sập cầu Ghềnh, công ty phải chuyển hàng bằng xe tải từ ga Sài Gòn, ga Sóng Thần (Bình Dương) ra Đồng Nai để từ đây, đưa lên tàu hỏa chở ra Bắc.
“Thời gian tới, chúng tôi phải khảo sát lại năng lực chứa hàng của cả ba ga Biên Hòa, Trảng Bom và Hố Nai để xem có đủ diện tích và năng lực xếp dỡ như ga Sóng Thần hay không. Nếu không, chúng tôi sẽ tính phương án tạm thời chứa hàng vào trong kho của các ga để chờ vận chuyển. Nếu tình hình này kéo dài thì chúng tôi buộc phải sử dụng phương án cuối là vận chuyển hàng bằng đường biển”, đại diện công ty hàng tiêu dùng nói trên cho hay.
Theo một nhân viên phụ trách kho tại ga Sài Gòn, mỗi ngày, lượng hàng nhẹ (không tính hành lý của khách hàng) như quần áo, giày dép, thuốc lá, linh kiện điện tử... đi qua ga Sài Gòn ước khoảng 40 tấn, được xếp trên hai toa tàu. Trong khi đó, một lượng lớn hàng nặng khác lên đến hàng ngàn tấn mỗi ngày như sắt thép, gỗ, vật liệu xây dựng, xơ dừa... được tập trung tại ga Sóng Thần (Bình Dương) để xếp lên tàu vận chuyển ra các địa phương miền Trung và miền Bắc.
Với lượng hàng ga đã ký hợp đồng với khách hàng thì ga sẽ thông báo cho khách đến nhận lại, nếu khách hàng nào muốn tiếp tục chuyển hàng thì ga sẽ tính đến phương án hỗ trợ họ vận chuyển hàng bằng ô tô tới Đồng Nai để đưa lên tàu hỏa.
Theo ông Đoàn Văn Lập Dân, Phó trưởng Ga Sóng Thần, riêng trong ngày 21-3-2016, ga Sóng Thần bị “kẹt” một lượng hàng lên đến 30 toa gồm các loại hàng như thức ăn gia súc, xơ dừa...
Theo ông Dân, mỗi ngày lượng hàng xếp dỡ qua ga Sóng Thần rất lớn, lên đến trên 2.000 tấn nên thời gian sắp tới, ngành đường sắt buộc phải tính đến phương án khảo sát các ga Hố Nai, Trảng Bom, Long Khánh hoặc thậm chí ga Gia Ray (đều thuộc Đồng Nai) để trung chuyển hàng thay ga Sóng Thần. Sau khi khảo sát, nếu thống nhất chọn ga nào thay thế ga Sóng Thần sẽ có sự đầu tư nhanh về đường dẫn, bến bãi, kho chứa... để làm kho trung chuyển thay cho ga Sóng Thần.
Trao đổi với TBKTSG, ông Thái Văn Chung, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, nhận định sau sự cố tại cầu Ghềnh, các doanh nghiệp còn hai lựa chọn là vận tải bằng đường thủy hoặc đường bộ từ TPHCM tới Đồng Nai để tiếp tục đưa lên tàu hỏa đi các nơi. Trong hai phương thức nói trên, ông Chung nhận định vận chuyển hàng bằng đường bộ cơ động nên thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Dù chưa có con số thống kê về số lượng đơn hàng nhưng ông Chung nhận định khoảng vài ngày tới chắc chắn lượng hàng vận chuyển từ TPHCM tới Đồng Nai bằng xe tải sẽ tăng cao.
Theo thông tin từ ông Bùi Quang Liên, Giám đốc Công ty Logistics đường sắt (ITL), ITL có đội xe riêng nên doanh nghiệp này hỗ trợ được ngay cho những doanh nghiệp chọn phương án chở hàng từ TPHCM tới Đồng Nai để tiếp tục đưa lên tàu hỏa. Khi thêm khâu vận chuyển đường bộ từ TPHCM xuống Đồng Nai, chi phí tăng lên, song công ty logistics này sẽ chịu để không làm biến động chi phí của khách hàng. “Tuy nhiên, nếu tình hình này kéo dài, chi phí tăng quá cao thì khách hàng cũng nên chia sẻ với doanh nghiệp làm dịch vụ logistics”, ông Liên nói.
Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải về cơ cấu vận chuyển hàng hóa hiện nay, vận tải bằng đường bộ chiếm tỷ trọng gần 61%; đường sắt chỉ chiếm 2%; đường thủy nội địa chiếm khoảng 30%; hàng hải chiếm gần 7% và một phần nhỏ còn lại bằng đường hàng không.
Theo TBKTSG