|
Bài đăng của các nghệ sĩ có nội dung giống nhau. |
Vừa qua, trang Facebook cá nhân của nhiều nghệ sĩ Việt tên tuổi đăng tải bài viết với nội dung giống hệt nhau, liên quan đến hoạt động đầu tư tiền điện tử.
Những bài đăng này dần tạo thành “cơn sốt”, thu hút hàng trăm nghìn lượt tương tác và chia sẻ. Tuy nhiên chỉ sau vài tiếng, các bài đăng đã đồng loạt bị xóa mà không có lời giải thích chính thức nào từ phía nghệ sĩ.
Trước động thái trên của một số nghệ sĩ, có nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là chiêu trò truyền thông trá hình. Cụ thể, nhà phát triển tiền điện tử thuê nhân vật có sức ảnh hưởng tới công chúng (KOLs) đăng tải nội dung liên quan để tiếp thêm sự hưng phấn cho cộng đồng người nắm giữ những đồng tiền điện tử đó.
Trên các hội nhóm, diễn đàn về showbiz Việt, nhiều tài khoản tỏ ra bức xúc trước hành động của nghệ sĩ. Có ý kiến cho rằng, thực chất các nghệ sĩ không có kiến thức sâu về thị trường tiền ảo, họ chỉ dùng sức ảnh hưởng để thu hút sự quan tâm của người hâm mộ.
|
Nhiều người lên tiếng chỉ trích. Ảnh chụp màn hình. |
“Dịch dã từ năm trước đến năm nay mọi người đã khổ sở lắm rồi, thân làm người của công chúng không tuyên truyền những điều tích cực thì thôi lại hại cho người ta thêm khổ vậy” – tài khoản Thao Hieu Nguyen bức xúc.
|
Nhiều người lên tiếng chỉ trích. Ảnh chụp màn hình. |
Đây không phải lần đầu tiên các nghệ sĩ Việt bị chỉ trích vì PR quá đà cho các sản phẩm trên thị trường. Không ít vụ việc quảng cáo kem trộn, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm kém chất lượng đã gây ảnh hưởng lớn tới niềm tin của người hâm mộ. Thậm chí, có người còn cáo buộc vụ việc PR tiền ảo này là “tiếp tay lừa fan”.
|
Nhiều người lên tiếng chỉ trích. Ảnh chụp màn hình. |
Dạo này cứ thấy các nghệ sĩ PR cho những cái gì ấy. Hết kem trộn, đa cấp đến thực phẩm chức năng kém chất lượng. Giờ lại dụ dỗ chơi coin à” – tài khoản Nam Kiều bày tỏ.
Về việc người nổi tiếng ồ ạt quảng cáo tiền điện tử, một số người có kiến thức về tiền ảo cảnh báo cộng đồng mạng cần hết sức thận trọng, cảnh giác, nhất là những người chưa từng đầu tư vào loại hình này. Tài khoản Tú Chi chia sẻ, bản chất đầu tư vào tiền ảo cũng là một cách kiếm tiền, tuy nhiên cần học và tìm hiểu rất nhiều. Người này khuyên cộng đồng mạng nên tìm đến những trang web tin cậy để học hỏi, tham gia vào các sàn uy tín đã được cấp giấy phép, nhằm hạn chế rủi ro.
|
Nhiều người lên tiếng chỉ trích. Ảnh chụp màn hình. |
“Đừng nghe ai rủ rê chơi, kể cả rủ học thì cũng phải xem lại nguồn học có uy tín không. Tiền mà dễ kiếm thì tiền không có giá trị” – Tú Chi bình luận.
Theo các chuyên gia, mọi người cần cân nhắc kỹ trước khi có ý định đầu tư vào tiền điện tử. Một trong những rủi ro thường gặp có liên quan đến những dự án "scam". Dấu hiệu đầu tiên nhận biết của những dự án này là cam kết lợi nhuận khủng bao lỗ, chống cháy tài khoản. Thông thường, dự án hoạt động trên mô hình Ponzi, lấy tiền của người trước trả cho người sau. Do đó, lợi nhuận càng cao thì dự án sập càng nhanh.
Bên cạnh đó, các dự án tiền mã hóa lừa đảo thường chỉ niêm yết trên các sàn nhỏ hoặc mới thành lập. Các dự án này thường không công khai hoặc giả mạo thông tin về đội ngũ phát triển, nền tảng blockchain, lộ trình và sách trắng.