|
Hàng Việt còn gian nan trên con đường đi tìm sự công bằng trong các cuộc đấutại các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Ảnh: Ngọc Tuấn |
Nhiều sạn, lắm bẫy giăng
Cầm trên tay cả xấp hồ sơ mời thầu các gói mua sắm thiết bị, máy móc từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, ông Trần Thành Trọng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sáng Ban Mai cho biết, chẳng khó khăn gì “nhặt” ra vô vàn hạt sạn trong các hồ sơ mời thầu. Ông không lý giải được lý do tồn tại những bất hợp lý sơ đẳng, tréo ngoe với pháp luật về đấu thầu.
Dẫn chứng cho nhận định trên, ông Trọng nêu ví dụ tại gói thầu “Cung cấp, lắp đặt trạm biến áp và máy phát điện” thuộc dự án trụ sở làm việc và văn phòng cho thuê Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Cần Thơ. Theo đó, hồ sơ mời thầu gói thầu này yêu cầu cung cấp hàng hóa là “máy phát điện mới 100%, nguyên đai, nguyên kiện, máy có vỏ cách âm, nhập khẩu đồng bộ chính hãng”. Như vậy, với yêu cầu này, bất chấp có sử dụng linh kiện chính như động cơ, đầu phát, hệ thống điều khiển nhập khẩu từ khối G7, EU, những máy phát điện được sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam sẽ bị loại ngay từ vòng ngoài.
Theo ông Trọng, yêu cầu này là trái với quy định tại khoản 7, Điều 12, Nghị định 63/2014/NĐ-CP (ngày 26/6/2014) của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Bất cập này dẫn tới hệ quả hạn chế sự tham gia của các nhà thầu Việt, hàng Việt.
Hạt sạn tương tự tồn tại ở gói thầu “Cung cấp, lắp đặt máy phát điện dự phòng” của Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng do Ban quản lý Dự án các công trình xây dựng tỉnh Sóc Trăng mời thầu. Cụ thể, hồ sơ mời thầu gói này yêu cầu bộ điều khiển máy phát điện phải “cùng hãng máy phát điện”. Điều kiện này vi phạm mục C, khoản 5, Điều 3, Thông tư 05/2015/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vì hạn chế sự tham gia của các nhà thầu Việt do hướng đến các nhà sản xuất tổ máy phát điện dùng bộ điều khiển có nhãn hiệu của chính máy phát điện như Mitsubishi (Nhật Bản), MTU (Đức), Cummins Power Generator (Mỹ) và loại bỏ hoàn toàn các đối thủ khác.
Không những thế, việc phân biệt đối xử với hàng sản xuất trong nước tại gói thầu này còn bộc lộ ở tiêu chuẩn đánh giá chi tiết về tài chính, theo đó hệ số quy đổi xuất xứ chênh lệch đáng kể. Trong khi tổ máy phát điện nhập khẩu nguyên chiếc hệ số quy đổi là 1, thì tổ máy sản xuất lắp ráp tại Việt Nam bị áp hệ số quy đổi là 1,2. Việc áp hệ số đánh giá hàng Việt thấp hơn tới 20%, đã tạo lợi thế cực lớn cho hàng nhập từ các nước G7, EU, trong khi, thiết bị gốc, công nghệ, tính năng kỹ thuật của hàng Việt hoàn toàn tương đương.
Chia sẻ quan ngại trên, ông Nguyễn Tấn Vũ, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thang máy Thiên Nam còn chỉ ra nhiều dự án “làm khó” hàng Việt tương tự như gói thầu “Cung cấp lắp đặt 5 thang máy” thuộc Dự án Xây dựng Trung tâm Ung bướu do Bệnh viện Trung ương Huế làm chủ đầu tư; gói thầu “Cung cấp, lắp đặt hệ thống thang máy” Dự án Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi; gói thầu lắp đặt thang máy Dự án Xây dựng nhà ở di dân giải phóng mặt bằng tại lô đất CT4 Khu tái định cư tập trung quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội, gói thầu “Cung cấp lắp đặt hệ thống thang máy và thang nâng” tại Dự án Nâng cấp mở rộng Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh…
Ông Vũ cho biết, không chỉ những hạt sạn rất lộ liễu, mà còn có nhiều cái “bẫy” tinh vi được giăng ra trong hồ sơ mời thầu. Nhà thầu không tỉnh táo thì sẽ bị vướng vào và bị loại ngay từ vòng “gửi xe”. “Hồ sơ mời thầu dựng lên hàng rào bằng những chứng nhận chất lượng, mà các nhà thầu Việt khó đáp ứng nổi. Cùng với đó, hồ sơ đưa ra yêu cầu năng lực không rõ ràng, để bộ phận chấm thầu dễ dàng áp đặt diễn giải chủ quan khi chấm. Nếu nhà thầu không có “quan hệ”, thì bất chấp bỏ giá thấp bao nhiêu, thương hiệu uy tín cỡ nào… cũng rớt”, ông Vũ cho biết.
Đỉnh cao của bất hợp lý phải kể đến gói thầu cung cấp, lắp đặt máy phát điện cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An. Phần yêu cầu năng lực đòi nhà thầu phải có kinh nghiệm thực hiện 3 hợp đồng từng bán cho bệnh viện quy mô 500 giường trở lên. Quy định này “hướng” vào nhà thầu đã bán cho ngành y tế để họ bán tiếp. Tất cả các nhà thầu phản đối và chủ tịch UBND tỉnh Long An phải vào cuộc chỉ đạo hủy thầu để sửa lại hồ sơ mời thầu. Gói này còn quy định là nhà thầu phải có kinh nghiệm thực hiện dự án giá trị lên tới 26 tỷ đồng. Có nhà thầu “xém” bị loại, dù có hồ sơ kinh nghiệm đáp ứng việc đã thực hiện hợp đồng giá trị 26 tỷ đồng, nhưng bị đơn vị tư vấn “bóc tách” các hạng mục không phải máy phát điện như cách âm, hệ thống dẫn thoát khí thải để đánh rớt.
“Chúng tôi gặp những cái khó không giống ai, cái cần không có, cái có thì tréo ngoe với luật. Hệ lụy là nhà thầu thua tức tưởi”, ông Vũ nói.
Mặc trên ý kiến, dưới cứ làm sai
Ông Trần Thành Trọng đưa ra nhận định: đơn vị tư vấn đấu thầu nắm rõ luật, nên viết hồ sơ mời thầu tạo thuận lợi cho đối tượng nhất định. Hiện tượng này xảy ra rất nhiều đã khiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải ban hành một thông tư hướng dẫn chi tiết công đoạn lập hồ sơ mời thầu, mua sắm hàng hóa.
Thực tế có chiêu “né” hướng dẫn tinh vi tới mức, không yêu cầu xuất xứ hàng hóa, nhưng trong thang điểm, thì hàng Việt thấp hơn nhiều so với hàng nhập ngoại. Trong nhiều hồ sơ mời thầu, hàng Việt lắp ráp bị đánh giá thấp hơn tới 40%.
Trước những bất cập và mong muốn tạo môi trường đấu thầu cạnh tranh, công bằng, nhiều nhà thầu gửi văn bản kiến nghị với chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, chính quyền địa phương, nhưng phần lớn trả lời đều không thỏa đáng. Thậm chí, ngay cả ý kiến của Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về những bất cập trong từng gói thầu cụ thể cũng bị địa phương… bỏ ngoài tai.
Có những gói thầu chủ đầu tư và đơn vị tư vấn lý giải “ngây ngô” như hồ sơ mời thầu gói “Cung cấp, lắp đặt trạm biến áp và máy phát điện” thuộc Dự án Trụ sở làm việc và văn phòng cho thuê Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Cần Thơ. Tư vấn cho dự án này đã cố tình “quên” đọc Danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư bán thành phẩm trong nước sản xuất được do Bộ Công thương công bố và “quên” luôn cả áp dụng Chỉ thị 494/CT - TTg ngày 20/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước.
Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp phản ánh những bất cập trong hồ sơ mời thầu, nhưng vô tác dụng, thậm chí, ngay cả khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi công văn yêu cầu địa phương “chỉnh đốn”, nhưng sự việc vẫn không thay đổi. Việc “nhờn thuốc” đó, theo ông Nguyễn Tấn Vũ, đã diễn ra tại các dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi…
Nhà thầu Việt sẽ còn tiếp tục phải dò dẫm để tránh bẫy, cùng với đó, hàng Việt tiếp tục phải đối mặt với việc bị đá văng ngay trên sân nhà, khi những bất cập ở mức sơ đẳng vẫn đang tồn tại.
Theo Đầu tư